Nhiều lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH diễn ra trong nhiều năm qua đang làm nhiều lao động bị ảnh hưởng quyền lợi.

Người lao động trở thành con tin

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ VN) cho biết: Tình hình chủ doanh nghiệp, trong đó không ít doanh nghiệp FDI bỏ trốn và không trả lương cho người lao động diễn ra nhiều vào các năm trước đây.

Chú thích ảnh
Sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

“Cách đây 2 năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) soạn thảo và trình Chính phủ ban hành một nghị định hướng dẫn cụ thể nội dung của khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. Cụ thể là khi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bỏ trốn không đóng phần kinh phí đã thu của người lao động cho quỹ BHXH.”, ông Mai Đức Chính cho biết.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản vào khoảng 1.400 tỷ đồng và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 193.000 lao động. Hậu quả của tình trạng này, ông Mai Đức Chính cho rằng, người lao động vô hình chung bị trở thành “con tin”. Chủ doanh nghiệp đã trừ lương của người lao động từ khoản đóng bảo hiểm, nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.

“Đến lúc doanh nghiệp bỏ trốn thì xử lý quyền lợi người lao động ra sao? Trong khi đó, bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc không đóng thì không chi. Bộ LĐTBXH đã trình dự thảo Nghị định về nội dung trên nhưng khi đưa ra thẩm định lấy ý kiến thì có nhiều ý kiến của một số Bộ, ngành khác”, ông Mai Đức Chính cho biết.

Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chỗ nào vướng thì phải nghiên cứu sớm ban hành nghị định hướng dẫn khoản 7 điều 10 Luật BHXH.

Còn 300.000 doanh nghiệp hoạt động mà không đóng bảo hiểm xã hội

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Theo thống kê, cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chỉ khoảng 300.000 kê khai thuế, còn khoảng 300.000 đang hoạt động mà không tham gia BHXH. Điều này cũng lý giải tình trạng nhiều doanh nghiệp đang trốn đóng BHXH.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, vấn đề xử lý nợ đối với doanh nghiệp bỏ trốn đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề được Quốc hội yêu cầu nhưng Bộ không thực hiện, đến nay lại kiến nghị cho sử dụng ngân sách để đóng mà không hề có tổng kết, đánh giá tác động.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cần ban hành quy định và biện pháp xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn.

 

XC/Báo Tin tức
Rà soát, sắp xếp lại các trường dạy nghề
Rà soát, sắp xếp lại các trường dạy nghề

Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp các trường dạy nghề để đến năm 2021 giảm 10% các cơ sở công công lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN