Bạn đọc hỏi: Tôi là kỹ sư môi trường quản lý chất lượng nước nuôi cá, làm việc gần biển nên nước ngọt không thể sử dụng nhiều trong môi trường nuôi nên áp dụng biện pháp tái sử dụng nước. Xử lý nước bằng Clorin A70% dạng chất rắn; khi đánh clo để xử lý thì tôi tiếp xúc trực tiếp với mùi và trực tiếp tạo dung dịch đã pha loãng vào nước bẩn (nồng độ áp dụng là 70-100ppm/ngày); bảo hộ lao động thì có khăn tay nhựa; khẩu trang M3 còn trang phục khi đánh thì không. Vậy cho tôi hỏi, tôi có nằm trong diện độc hại không, có được hưởng trợ cấp BHXH độc hại không? Khi trực tiếp vận hành và kiểm tra máy O3 thì tôi có nằm trong diện độc hại không?
Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Về việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại
- Nghề, công việc “kỹ sư môi trường quản lý chất lượng nước nuôi cá” chưa có trong Danh mục nghề, công việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định:
“1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm”.
Vì vậy, để xác định rõ nơi làm việc của người lao động có yếu tố độc hại hay không phải căn cứ vào kết quả đánh quan trắc giá yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc của người lao động. Tuy nhiên, thông tin về môi trường lao động do bạn cung cấp chưa đủ cơ sở để kết luận về môi trường lao động của người lao động.
2. Về “chế độ trợ cấp đối với người lao động”
- Hiện nay, pháp luật lao động không quy định chế độ trợ cấp đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
- Các chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được quy định tại Mục 3, Chương II Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn liên quan.