“Đáng chú ý, có một học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) vừa được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma chiếm khoảng 720 triệu đồng”, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) thông tin.
Theo ông Đàm Hiếu Trung, học sinh trên đã trải qua quá trình điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội). Bệnh nhân đã được chi trả với số tiền như trên do đã tham gia BHYT nhiều năm nay. Chi phí dành cho thuốc chữa bệnh khá cao bởi phải nhập khẩu từ nước ngoài, cơ sở trong nước chưa thể sản xuất được.
“Điều này cho thấy tính ưu việt của loại hình an sinh xã hội này với đối tượng học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới. BHYT giúp gia đình các em học sinh giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh khi tới bệnh viện. Trường hợp của học sinh trên chưa phải là mức chi trả khám chữa bệnh BHYT cao nhất cho bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng là mức chi trả theo thẻ BHYT cao nhất của đối tượng học sinh, sinh viên trong thời gian qua”, ông Đàm Hiếu Trung chia sẻ.
Ví dụ trên minh chứng rõ nhất cho tính bù trừ, chia sẻ của BHYT - người không có bệnh san sẻ với người có bệnh khi tham gia BHYT. Đặc biệt là khi phải điều trị các bệnh nặng và phải chữa trị dài ngày. Để đủ tiền để chi trả cho trường hợp học sinh được chi trả 1,8 tỷ đồng nói trên, Quỹ BHYT cần có hơn 3.400 học sinh, sinh viên tham gia đóng BHYT và không bị ốm đau gì trong thời gian trước đó.
“Theo quy định, học sinh sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.