Để việc sắp xếp lại các trường cao đẳng, trung cấp hiệu quả, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương sắp xếp lại các trung tâm theo hướng tích hợp 2 trong 1; Rà soát lại các trường trung cấp theo định hướng nếu trường có trên 50 ngành nghề đào tạo trùng với các ngành nghề với các trường cao đẳng để tổ chức lại và sáp nhập vào trường cao đẳng.
Bộ LĐTBXH khuyến khích các trường tự chủ phát triển, giao quyền tự chủ cho các trường. Trước hết là tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức; đồng thời chuyển mạnh sang đào tạo đặt hàng, kết nối với doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hiện cả nước đang có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, hệ thống cơ sở GDNN cấp huyện. Bên cạnh các trường tuyển sinh và đào tạo tốt, không ít cơ sở không có học sinh.
Bộ LĐTBXH đang quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới "chằng chịt" này. Trước đó, trong 2 năm qua, Bộ LĐTBXH đã rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đã giảm được 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở nghề nghiệp ở các huyện theo phương châm tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1. Theo đó, cứ 3 trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục tổng hợp sẽ sáp nhập làm 1 hoặc 2.
Theo kế hoạch, có 3 giai đoạn tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đến năm 2021, giảm 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, 10% biên chế, 10% cơ sở tự chủ. Đến năm 2025, con số này là 20%, năm 2030 là 40%. Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng nhưng cũng có trường hoạt động không hiệu quả.