Nhiều khoản thu "vô tội vạ" trong trường học

Nhiều trường học ở tỉnh Đắk Nông đã thu tiền đóng góp từ phụ huynh học sinh (thu thỏa thuận, xã hội hóa) “vô tội vạ”. Việc thu, chi không rõ ràng, đúng mục đích, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thu tiền xã hội hóa để… chi thường xuyên

Kết quả khảo sát việc thu, chi các khoản đóng góp của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Đắk Nông, cho thấy trong các năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, nhiều trường trên địa bàn tỉnh thu tiền “vô tội vạ” từ các bậc phụ huynh.

Các trường thực hiện 3 khoản thu từ phụ huynh học sinh gồm: Thu tự nguyện (quỹ xã hội hóa, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, bảo hiểm thân thể); thu thỏa thuận (bảo vệ, vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây xanh; mua sắm, sửa chữa nhỏ; chăm sóc bán trú phục vụ học sinh…); thu bắt buộc (học phí, quỹ Đoàn - Đội, bảo hiểm y tế). Hầu hết các khoản thu huy động tự nguyện chưa thực hiện đúng tại Thông tư 55, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản có liên quan.

Một số khoản thu ở các trường đã không đáp ứng được mục tiêu phát triển cơ sở vật chất mà chủ yếu thu để phục vụ các khoản chi thường xuyên; hoặc huy động đóng góp (100%) để xây dựng những công trình có kinh phí đầu tư lớn.

Chẳng hạn, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (xã biên giới), có 42% số học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng làm sân trường với kinh phí hơn 400 triệu đồng. Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil, đã huy động phụ huynh tài trợ một phòng máy vi tính với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, thị xã Gia Nghĩa, huy động làm 1.000 m2 sân trường với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Trường Mần non Sơn Ca, thị xã Gia Nghĩa huy động xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trường lớp năm học 2015 - 2016 là 126,5 triệu đồng, năm học 2016 - 2017 là 121,4 triệu đồng…

Quá trình thu “xã hội hóa” các khoản đóng góp chưa theo đúng nguyên tắc tự nguyện, còn tình trạng huy động đóng góp từ học sinh thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… Trong khi các đối tượng này đang được nhà nước bảo trợ về mọi mặt của đời sống.

Các trường huy động đóng góp nhưng chưa chú trọng xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí sát với nhu cầu thực tế. Tại một số trường, nhiều khoản thu không thực hiện đúng luật ngân sách, khi thu chỉ ghi sổ, không phát hành phiếu thu hoặc phát hành phiếu thu nhưng không đầy đủ, không thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định.

Hàng năm, các trường đã được bố trí kinh phí chi thường xuyên, cơ bản đảm bảo định mức quy định để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều trường đưa ra quá nhiều danh mục các khoản huy động đóng góp để sử dụng cho những nội dung chi nhỏ lẻ, tạo ra áp lực lớn đối với phụ huynh học sinh.

Mức đóng góp bình quân/học sinh/năm học ở nhiều trường vẫn còn khá cao. Trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thu 5,8 triệu đồng/học sinh/năm; Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai thu 3,6 triệu đồng/học sinh/năm; Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành thu 3,3 triệu đồng/học sinh/năm; Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (huyện Đắk Mil) phục vụ kiểm tra tập trung và học kỳ 160.000 đồng/học sinh/năm, thu tiền chi trả bảo vệ và vệ sinh điện nước gần 130.000 đồng/học sinh/năm…

Nhiều trường ở huyện Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa còn lấy tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh để khen thưởng cho học sinh và hỗ trợ thầy cô đi du lịch.

Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Đắk Nông, để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thu, chi tại các trường học còn lỏng lẻo. Trong khi đó, các quy định của nhà nước còn chung chung, không có cơ chế kiểm soát cụ thể và thường giao cho các trường, dẫn đến tình trạng lạm thu, lạm chi gây lãng phí nguồn lực trong nhân dân. Khi phát hiện những sai phạm không nghiêm túc kiểm điểm, kỷ luật nên chưa đủ sức răn đe.

Cần chấn chỉnh kịp thời

Từ sự phản ánh của cử tri và khảo sát thực tế, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chấn chỉnh ngay việc thu, chi các khoản do phụ huynh đóng góp trong năm học 2016 - 2017 và các năm học tiếp theo.

Theo đó, các trường phải có biên lai thu, biên nhận, nộp Kho bạc Nhà nước và quản lý chi chặt chẽ như nguồn chi ngân sách. Các khoản thu thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường phải được thực hiện trên tinh thần thu đủ chi, có dự toán cụ thể, chi tiết; phân định rõ nhiệm vụ chi giữa ngân sách nhà nước với các khoản thu thỏa thuận, huy động xã hội hóa.

UBND tỉnh cần chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh việc các trường vận động Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền từ phụ huynh để phục vụ các hoạt động không theo nguyên tắc tự nguyện, chi ủng hộ các hoạt động của nhà trường (tham quan, hỗ trợ lễ tết, liên hoan…). Không thu các khoản đóng góp tự nguyện đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; xem xét miễn, giảm đối với các khoản thu thỏa thuận cho nhóm đối tượng này.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến vào tháng 7/2017) để quyết định các khoản thu huy động đóng góp của nhân dân nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 19, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, không gây gánh nặng đóng góp cho nhân dân và lãng phí nguồn lực xã hội trong thực hiện chủ trương về xã hội hóa.

Vấn đề lạm thu trong các cơ sở giáo dục đã trở thành vấn đề “nóng” tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III vừa diễn ra. Nhiều đại biểu cho rằng, Đắk Nông là tỉnh nghèo, nhưng tình trạng lạm thu, lạm chi ở các cơ sở giáo dục trong các năm học gần đây có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn, gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội, bức xúc trong nhân dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề lạm thu, lạm chi trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, khoản chi đầu năm học gửi đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Theo đó, nội dung văn bản đã nêu rõ các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết HĐND tỉnh, các văn bản của UBND về thực hiện các khoản thu, chi trong năm học.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận, trong những năm qua, công tác thu, chi đầu năm học ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện đúng quy định, gây bất bình trong nhân dân. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông nghiêm túc rút kinh nghiệm và hứa sẽ cùng với Chủ tịch các huyện, thị xã chỉ đạo cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để công tác thu, chi của các cơ sở giáo dục ngày càng thực hiện đúng và tốt hơn.

Anh Dũng (TTXVN)
THPT Điện Biên Phủ thu sai gần 800 triệu đồng từ phụ huynh
THPT Điện Biên Phủ thu sai gần 800 triệu đồng từ phụ huynh

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã công bố trường THPT thành phố Điện Biên Phủ thu sai quy định từ phụ huynh học sinh của trường lên tới gần 800 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN