Trong khi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực triển khai những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì những dự án bức thiết để đảm bảo an toàn sản xuất, đời sống nhân dân lại chậm triển khai.Dự án nạo vét kênh Mai Phốp - Ngã Hậu nằm trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, tổng vốn trên 436 tỷ đồng. Dù đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn để thực hiện. Nếu dự án hoàn thành, tỉnh Trà Vinh sẽ có nhiều tuyến kênh cấp II của dự án ngọt hóa Nam Măng Thít kết nối, nâng cao khả năng tiếp ngọt trong mùa khô khi độ mặn tăng cao ở cống đập Láng Thé, cống đập Cái Hóp. Từ đó, sẽ cấp nước tưới bổ sung cho khoảng 30.000 ha diện tích đất sản xuất ở các huyện Càng Long, Châu Thành và Cầu Ngang.
Một đoạn đê bao gia cố tạm thời tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. |
Hiện nay trung ương đã đầu tư cho tỉnh Sóc Trăng dự án đầu tư đê bao chống ngập úng vùng trũng huyện Ngã Năm với mục tiêu chống ngập úng, ngăn chặn xâm nhập mặn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng; kết hợp điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng dự án với tổng diện tích tự nhiên 24.196 ha. Được biết dự án này có tổng vốn 236 tỷ đồng nhưng chỉ mới được phân bổ vốn từ trung ương 25 tỷ đồng trong năm 2014. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nâng cấp đê biển ứng phó BĐKH và nước biển dâng huyện Cù Lao Dung có tổng vốn 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được trung ương bố trí vốn. “Rất cần trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ vốn để đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân”, ông Lưu Trọng Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị.
Còn tại Cà Mau, tuyến đê biển Tây có tác dụng không để nước biển tràn vào khu vực gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vừa trồng lúa vừa nuôi tôm phía trong đê. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm sử dụng, tuyến đê biển Tây bị hư hỏng nặng nề, sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng, đáng chú ý có nhiều đoạn nước biển xoáy sâu tận chân đê.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết năm 2014, tỉnh chờ được phân bổ 100 tỷ đồng để tiếp tục nâng cấp thêm 15 km đê đang có nguy cơ vỡ trong mùa mưa bão năm nay. Số kinh phí này theo lộ trình của đề án nâng cấp đê biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau giai đoạn 2013 - 2020 với tổng kinh phí lên tới 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ trung ương và một phần vốn từ ngân sách địa phương được tỉnh phê duyệt năm 2013.
Mặc dù, đề án nâng cấp đê đã được phê duyệt nhưng vốn cấp chậm chạp, nhỏ giọt, trong khi vào mùa mưa bão đê bị đe dọa từng ngày. Năm nào địa phương cũng phải huy động người dân tham gia bồi đắp đê, không để đê bị vỡ. Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm chữa cháy, tạm thời, còn cơ bản phải đầu tư bằng cơ giới.
Bài và ảnh: Anh Đức