Trước việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 mạnh và quyết liệt hơn trong thời gian tới, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và cam kết thưc hiện tốt các quy định này.
Chị Trần Thu Hân, nhân viên một doanh nghiệp ở thành phố Thủ Đức vừa chuyển hồ sơ, sổ sách từ văn phòng về nhà và cài đặt các phần mềm làm việc trực tuyến để bắt đầu hai tuần làm việc tại nhà trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chị Hân cho biết, dù làm việc ở văn phòng sẽ hiệu quả hơn, nhưng lãnh đạo công ty vẫn quyết định cho toàn bộ nhân viên khối văn phòng chuyển sang làm việc tại nhà, nhằm hạn chế việc tiếp xúc và di chuyển theo tinh thần giãn cách của toàn Thành phố. “Bản thân tôi rất ủng hộ quyết định của Thành phố trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, bởi dịch đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Chỉ khi siết chặt các quy định, yêu cầu người dân không ra ngoài khi không thật sự cần thiết thì mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, sớm đưa cuộc sống quay về trạng thái bình thường”, chị Hân chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho rằng: Việc Thành phố áp dụng giãn cách xã hội trong 15 ngày tới là chủ trương đúng đắn trong thời điểm hiện nay, được người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, bởi việc kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng mang lại lợi ích cho cộng đồng, bao gồm cả doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Chí Trung, việc áp dụng Chỉ thị 16 chỉ nhằm hạn chế việc người dân ra ngoài khi không thật sự cần thiết, nhưng vẫn tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tiếp tục hoạt động sản xuất, không để chuỗi cung ứng bị đứt quãng.
“Công ty đã yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tối đa các tiếp xúc với bên ngoài. Một số bộ phận nhân viên được chia ca làm việc luân phiên để bảo đảm khoảng cách ngay tại nơi làm việc. Hàng hóa, nguyên vật liệu vận chuyển ra, vào nhà máy đều phải được khử khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan mầm bệnh, cùng Thành phố quyết tâm dập dịch trong thời gian ngắn nhất”, ông Trung cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thu Nga, kinh doanh online tại thành phố Thủ Đức chia sẻ: Do công việc kinh doanh của tôi ít khi phải ra ngoài, chủ yếu tại nhà, nhưng phụ thuộc nhiều vào hoạt động vận chuyển hàng hóa. Việc Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chị thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động vận chuyển, ảnh hưởng tới doanh số bán hàng, nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ. “Hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh và xuất hiện các ổ dịch khắp các quận, huyện, nên dù ít ra ngoài tôi cũng lo ngày nào đó mình mắc bệnh. Thà chấp nhận “đứng im” trong 2 tuần để dập dịch, sau đó trở lại cuộc sống, kinh doanh bình thường còn hơn cứ nhùng nhằng, kéo dài tháng này qua tháng khác thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn”, chị Nga chia sẻ.
Bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp dụng Chỉ thị 16 đối với Thành phố trong thời điểm này là rất cần thiết, tạo tiền đề cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả cao hơn. Thời gian qua, dịch COVID-19 tại Thành phố có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, vì thế mong muốn lớn nhất hiện nay của nhân dân là Thành phố sớm trở lại bình thường, người dân có cuộc sống bình an, tốt đẹp. Chính vì vậy, người dân nói chung, tăng ni, phật tử tại Thành phố nói riêng rất đồng tình, ủng hộ và tuân thủ nghiêm chỉnh các chỉ đạo, biện pháp phòng dịch mà Thành phố đề ra.
“Trong giai đoạn này, cần có những thông tin chính xác, đầy đủ về các chủ trương của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tránh để người dân bị xáo động, lo lắng, bất an từ những tin đồn không có cơ sở. Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản cập nhật các chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng dịch để hướng dẫn tăng ni, phật tử, các cơ sở thờ tự trong Thành phố thực hiện nghiêm túc, góp phần cùng chính quyền và nhân dân thành phố vượt qua đại dịch.”, Đại đức Thích Tâm Hải chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, Linh mục phụ tá Nguyễn Tuấn Lộc, giáo xứ Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nhận định: Việc áp dụng Chỉ thị 16 là quyết định đúng đắn của chính quyền Thành phố trong nỗ lực kiểm soát đợt dịch COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Tôi cũng như giáo dân các giáo xứ rất ủng hộ và sẽ chấp hành nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch mà Thành phố đề ra. Theo Linh mục phụ tá Nguyễn Tuấn Lộc, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch cao hơn sẽ gây ra một số bất tiện, khó khăn trong sinh hoạt, đời sống của giáo dân nói riêng, người dân toàn Thành phố nói chung. Tuy nhiên, trên tinh thần chung, giáo dân sẽ cố gắng chia sẻ, hỗ trợ nhau hết sức có thể để cùng vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Cũng như nhiều người dân, hầu hết văn, nghệ sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh đều bày tỏ sự đồng lòng về việc Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mong muốn dịch bệnh sớm bị đẩy lùi. MC Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát cùng với các bạn đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên, nhiều văn, nghệ sĩ cũng tích cực tham gia từ các hoạt động trong đội hình phản ứng nhanh hỗ trợ tại các điểm xét nghiệm, các hoạt động hỗ trợ hậu cần, tiếp tế nước uống, thức ăn... cho những người làm nhiệm vụ phòng dịch nơi khu cách ly và người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Tương tự, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ cho rằng, mỗi ngành nghề đều phải gánh chịu tác động không mong muốn. Hoạt động nghệ thuật, biểu diễn của giới nghệ sĩ cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên, trước khó khăn chung của Thành phố đang gồng mình chống đỡ dịch, các nghệ sĩ không hề chọn cách thờ ơ đứng ngoài. Bên cạnh việc tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ còn tích cực ủng hộ kinh phí và nguồn hàng hóa, vật dụng như đồ bảo hộ, găng tay y tế, tấm chắn giọt bắn, thực phẩm, nước uống cho các địa điểm bị phong tỏa hay những người lao động nghèo với mong muốn đóng góp một phần công sức cùng Thành phố vượt qua dịch bệnh và lan tỏa tinh thần lạc quan đến cộng đồng.
Ngày 8/7, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, số ca nhiễm tăng nhanh nhưng nguồn lực phòng, chống dịch của Thành phố vẫn được bảo đảm. Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống để ứng phó với dịch và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. Thành phố đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương và Thành phố; phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”; đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch.