Thủ tướng: TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, song phải giữ cho cuộc sống của người dân không bị đảo lộn
Sáng 8/7, trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, sau khi đồng ý với đề xuất của Thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố để bàn, thống nhất nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp và kêu gọi nhân dân thành phố vào cuộc cùng hệ thống chính trị để thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hiện nay TP Hồ Chí Minh ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch COVID-19, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Tuy nhiên cần lưu ý, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện giãn cách xã hội, song vẫn phải giữ cho cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn nhiều, an ninh, trật tự được bảo đảm.
Phát biểu kết luận cuộc họp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao lưu, trung tâm kinh tế, văn hóa ở phía Nam, trong khi biến chủng virus mới phức tạp, chưa hiểu hết, nên chúng ta phải phối hợp WHO, các nước chung quanh để có giải pháp ứng phó phù hợp trong điều kiện Việt Nam.
Theo Thủ tướng, việc đi đến quyết định thực hiện Chỉ thị 16 với TP Hồ Chí Minh là khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp lúc này. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, đề nghị các bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh tiếp tục căn cứ, cụ thể hóa các chỉ đạo, văn bản như kể trên, đồng thời áp dụng Chỉ thị 16 hiệu quả, thiết thực, đạt hiệu quả, mục tiêu mong muốn.
Đến chiều 8/7, Việt Nam tiếp tục có hơn 1.000 ca mắc mới COVID-19/ngày
Như vậy, trong ngày 8/7, Việt Nam ghi nhận 1.314 ca mắc mới, trong đó 1.297 ca cộng đồng.
Tính đến 18 giờ 30 phút ngày 8/7, Việt Nam có tổng cộng 22.487 ca ghi nhận trong nước và 1.898 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 20.917 ca, trong đó có 6.176 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Việt Nam mong muốn các nước tăng cường, chia sẻ thông tin về vaccine phòng COVID-19
Chiều 8/7, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chia sẻ thông tin về kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp nhận vaccine của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4 loại vaccine, bao gồm gần 4,4 triệu liều AstraZeneca từ Chương trình COVAX và nguồn mua; cùng với đó là 1,4 triệu liều do Chính phủ Nhật Bản trao tặng; 2 nghìn liều vaccine Sputnik V do Chính phủ Nga trao tặng, 500 nghìn liều Vero-Cell của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và vào ngày 7/7 vừa qua, lô vaccine Pfizer đầu tiên đã về đến Việt Nam với số lượng gần 100.000 liều”.
Cũng theo Người Phát ngôn: “Chương trình COVAX cũng đã cam kết dành ưu tiên cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo và sẽ chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thông qua Cơ chế COVAX, dự kiến sẽ đến Việt Nam ngay trong tuần này. Cũng cần phải nói thêm rằng với tinh thần trách nhiệm và cùng chung tay với cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã đóng góp cho cơ chế COVAX 500 nghìn USD”.
Hà Nội: Căn cứ thực tế diễn biến của dịch để xem xét cho học sinh Hà Nội trở lại trường
UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn số 6899/VP-KGVX ngày 8/7 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xem xét cho học sinh trở lại trường sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ, căn cứ tình hình thực tế diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, hướng dẫn của Trung ương để thống nhất đề xuất, có tờ trình liên ngành báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Quảng Ninh: Cách ly 14 ngày đối với người về từ nơi có dịch bùng phát diện rộng
Quảng Ninh sẽ tổ chức cách ly 14 ngày đối với người về từ các địa phương có dịch bùng phát diện rộng. Đây là biện pháp cấp bách mới nhất được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với 13 địa phương trong tỉnh, ngày 8/7.
Như vậy, những người từ các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng (là địa phương số ca mắc tăng cao, điển hình như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam khác) khi về Quảng Ninh sẽ cách ly 14 ngày.
Chủ trì cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, trường hợp nếu vượt quá công suất, tỉnh tính toán phương án cách ly tại nhà theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 5389/BYT-MT của Bộ Y tế.
Hà Nội tạm dừng vận tải hành khách đến 14 tỉnh, thành phố
Ngày 8/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 8/7 tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ bao gồm: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định từ Hà Nội đến 14 tỉnh, thành phố và ngược lại, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam (trừ xe hợp đồng chở chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động của các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất). Thành phố chỉ cho phép hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng hoặc đến khi có thông báo mới .