BHXH khẩn trương hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch

Ngày 6/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; trong đó, công tác hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 được BHXH đặc biệt quan tâm.

Chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

BHXH Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố linh hoạt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm đảm bảo quyền lợi cho người hưởng như: Xây dựng phương án chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, chi trả tại nhà đối với địa bàn bị phong tỏa; tổ chức việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn (tối đa 3 tháng); đảm bảo thanh quyết toán đầy đủ chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT liên quan đến dịch COVID-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; đẩy mạnh giao dịch điện tử... góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo việc giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQCP của Chính phủ, tính đến hết tháng 5/2021, ngành BHXH Việt Nam đã: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, 192.503 lao động, với số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 786 tỷ đồng; xác nhận Danh sách người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 168.163 lao động; xác nhận Danh sách NLĐ bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với 585 lao động.

Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành quyên góp, ủng hộ kinh phí để trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch. Cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ trong toàn Ngành cũng đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 với số tiền hàng tỷ đồng…

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Đáng chú ý, bộ TTHC của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được cắt giảm từ 27 thủ tục (năm 2020), xuống còn 25 thủ tục; 25/25 thủ tục của BHXH Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW); chính thức triển khai, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2021, đến nay đã có khoảng trên 11,2 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cùng thảo luận, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ thời gian qua như: Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của của dịch COVID-19; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị (như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ BHXH, BHTN; KCB nhiều lần để lấy thuốc, kê khống đơn thuốc, thống kê thanh toán loại dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn loại dịch vụ đã thực hiện, chỉ định nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú, chỉ định cung ứng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, lợi dụng chính sách thông tuyến và các chương trình KCB nhân đạo thu gom người bệnh…);...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Namđánh giá, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam đã đoàn kết, chung sức vượt qua nhiều khó khăn, cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tăng nhưng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu, 6 tháng cuối năm 2021, toàn ngành BHXH Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đây là những mục tiêu không thể thay đổi cần quyết tâm hoàn thành. Trong đó, toàn ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; BHXH các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng tham mưu với chính quyền địa phương để kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, xây dựng “bức tranh” về người có tiềm năng nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn để có kế hoạch tuyền thông, vận động hiệu quả; Đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt; thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia, vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2021.

Toàn ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC); mở rộng cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp thêm các DVC của ngành trên Cổng DVC Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ trên ứng dụng VssID; đẩy mạnh giao dịch điện tử, ứng dụng VssID nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo, các đơn vị khẩn trương rà soát, tổng hợp báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn Ngành đã giải quyết hưởng mới BHXH hằng tháng cho 38.410 người; 561.570 người hưởng BHXH một lần; hơn 3,5 triệu người hưởng chế độ ốm đau; 340.289 người hưởng mới BHTN. Ngoài ra, toàn quốc có gần 76 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền thanh toán hơn 49.000 tỷ đồng, giảm gần 2 triệu người nhưng tăng 2.343 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có tỷ lệ chi KCB BHYT so với kế hoạch cao như: Tây Ninh; Ninh Bình; Thanh Hóa; Quảng Bình; Nghệ An; Cần Thơ; Hà Tĩnh; Sơn La; Đồng Nai; Bắc Kạn.
Chú thích ảnh

 

XC/báo Tin tức
Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết với doanh nghiệp xây dựng phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN