Nhà văn trẻ với hành trình bóc trần góc khuất những cung đường vượt biên

Hơn 4 năm tìm hiểu thông tin, 200 cuộc phỏng vấn, 23 kg tài liệu, với khao khát tìm lời giải cho những điều bí ẩn về hành trình vượt biên trái phép, nhà văn nữ 33 tuổi Thảo Trang đã từng bước bóc trần bí mật, gửi gắm qua cuốn tiểu thuyết “25 Độ Âm”.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "25 Đ​​​​​​ộ Âm" (NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành) của nhà văn Thảo Trang.
Chú thích ảnh
Nhà văn Thảo Trang (váy trắng) cùng đoàn phim "Kẻ ăn hồn".

Nhà văn trẻ chia sẻ: “Cảm hứng lớn nhất để tôi viết '25 Độ Âm' chính là thảm nạn kinh hoàng của 39 người vượt biên trái phép đã tử nạn trong chiếc xe container tại Anh năm 2019. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp vào Châu Âu, nhưng không nhiều người kể cho chúng ta biết con đường ấy gian nguy thế nào, đau thương ra sao. Và thế là, tôi đặt bút viết”. 

Đề tài vượt biên trái phép không mới, thực tế có nhiều bộ phim, tác phẩm từng viết về đề tài này,  đặc biệt là gắn với sự kiện vụ thảm nạn 39 người trong xe container.  “Tôi nghĩ mình nên tiếp cận góc độ mới, giải đáp những băn khoăn, tò mò của công chúng bấy lâu nay: Quá trình vượt biên diễn ra như thế nào? Quan trọng là bước vào con đường vượt biên, bạn sẽ phải đối mặt những điều gì? Bạn sẽ phải trải qua những cơn đói rét, trải qua cái lạnh thấu xương ở trời Âu, chạy trốn chó nghiệp vụ trong đêm, băng qua sông băng và nếu may mắn thì những khối băng mỏng như thủy tinh đó không xiên vào cổ họng bạn… Liệu bạn có dám đánh cược tính mạng của mình vào trong quá trình sinh tử đó? Đây là điều mà tôi muốn độc giả khi đọc xong sẽ có câu trả lời”.

Trong “25 Độ Âm”, người đọc bắt gặp hành trình vượt biên sinh tử, tàn khốc từ Nga tới Pháp, tới Anh của cô gái tên Lam, cùng những người bạn đồng hành, là Đức Hà Nội, bà Loan, ông Sang, Phượng, Duy Anh và cả những con người không cùng màu da, sắc tộc. Mỗi người ra đi với những lý do, hoàn cảnh đưa đẩy khác nhau… Đối với Lam, người con gái có ước mơ, hoài bão, khát vọng và ý chí sống mạnh mẽ, nhưng cô lại không có quyền chọn lựa cuộc đời mình, là con rối để người khác giật dây, buộc phải dấn thân vào hành trình sinh tử. Tuy nhiên, không ít người lựa chọn ra đi vì khát vọng đổi đời, nó lớn lao và dữ dội đến mức, họ sẵn sàng lao đi như con thiêu thân, dù có thể bị ánh lửa thiêu rụi, đánh đổi cả nhân hình và nhân dạng, vẫn khát khao tìm đến những nơi cho rằng là "miền đất hứa". 

Tác giả đã đan cài những nút thắt, nút mở và hàng loạt tình tiết hư cấu khơi gợi sự tò mò. Theo từng cung đường vượt biên, độc giả sẽ từng bước lạc vào một trò chơi sinh tồn nghẹt thở, nơi cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, dồn dập, không chừa cho ai một lối thoát. Qua đó, độc giả cũng thấu hiểu sâu sắc hành trình con người vượt biên phi pháp, những điều họ phải đối mặt, đương đầu khốc liệt đến nhường nào.

Chú thích ảnh
Nhà văn Thảo Trang ký tặng sách. 

Để khắc hoạ chân thực, sâu sắc hành trình vượt biên đầy gian nan, bất trắc, tác giả lựa chọn cách viết theo hành trình, tiếp cận từng mốc nhân vật chính - cô gái tên Lam, phải trải qua. Trải qua từng mốc, nhân vật giống như một người chơi trong trò chơi sinh tồn. Vượt qua từng mốc, họ nhận ra mình thu được thêm một mảnh ghép.

“Càng khám phá, họ càng nhận ra mình không được gì, ngoài đói rét, đau khổ, những những cuộc truy quét trong đêm. Và chính lúc này, tình người giữa người vượt biên “nảy nở” dù trước đó họ không biết nhau, họ xa lạ, thậm chí mục đích xuất phát cũng khác nhau.  

Tôi cảm thấy khi viết câu chuyện này, sẽ không thể nào viết theo lối phi tuyến tính hay viết theo dạng thông thường được. Tôi muốn độc giả sẽ nhìn thấy chúng ta đi cùng nhau trên một hành trình. Và đến khi các bạn nhận ra chúng ta đã cùng đi trên hành trình, đó là lúc con đường vượt biên tàn khốc nhất đã thực sự mở ra”, tác giả Thảo Trang chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hình ảnh minh họa trong tiểu thuyết.
Chú thích ảnh
Nhân vật Đức trong tiểu thuyết dùng dao phá cửa từ bên trong xe container.

Trong quá trình “thai nghén” tác phẩm, nhiều lời tâm sự, lời người trong cuộc để lại... khiến tác giả nghẹn ngào, xót xa và cũng thôi thúc tác giả nhanh chóng gửi đến độc giả: “Có hai con đường dành cho những người như chúng tôi. Một là chết. Hai cũng là chết, nhưng muộn hơn. Khi tôi thấm thía được điều này thì mọi thứ đã quá muộn. Nhiệt độ lúc này đã xuống dưới ngưỡng âm độ. Chúng tôi vượt biên không thành. Ngộ nhỡ chúng tôi không qua khỏi, xin hãy hỏa táng để tôi được về với đất mẹ...".

Đọc “25 Độ Âm”, Tiến sĩ ngôn ngữ học, nhà báo Đỗ Anh Vũ bày tỏ: "Hai tác phẩm trước của Thảo Trang cho thấy ngòi bút này rất mạnh về tiểu thuyết kinh dị, mang đậm chất giả tưởng. Nhưng ở đây không còn chất giả tưởng nữa, mà hoàn toàn là hiện thực xã hội. Thảo Trang không chỉ viết như một nhà văn, mà còn như một nhà báo, nhà khoa học với khối lượng thông tin lớn cung cấp cho độc giả. Đây có thể coi là tiểu thuyết trinh thám điều tra". 

Nhà văn Phong Điệp chia sẻ: "Bên cạnh phản ánh hiện thực, cảnh báo về vấn đề nhức nhối trong xã hội, tác phẩm còn gây ấn tượng với những mầm nhân văn ẩn trong đó. Điều này gieo vào lòng người đọc niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc đời".

Chú thích ảnh
Nhà văn Thảo Trang giao lưu cùng Đoàn Thanh niên Học viện Quản lý Giáo dục. 

Là một trong những cây bút 9x trẻ tuổi, có phong cách viết, lối tư duy, góc độ tiếp cận câu chuyện, cho thấy sự trưởng thành và giàu trải nghiệm thực tế, nhưng quá trình “tìm hình hài” cho tác phẩm của mình, nhà văn Thảo Trang cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất đến từ việc thu thập tư liệu, để tìm hiểu những cung đường vượt biên, những kẻ lái người đưa tới những điểm hẹn nào, cách thức vượt sông ra sao, kinh nghiệm của người vượt biên đi trước truyền lại cho người đi sau như thế nào... "Hơn nữa, khi phỏng vấn, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, bởi những người may mắn thoát khỏi 'tử thần', không muốn nhớ lại, không muốn chia sẻ câu chuyện, ký ức kinh hoàng đã trải qua…”, nhà văn chia sẻ.

Vượt lên khó khăn, thử thách, nhà văn Thảo Trang đã hoàn thiện “đứa con tinh thần” của mình và mang đến độc giả thông điệp: “Vượt biên là một canh bạc, tỷ lệ phần trăm thắng cược rất mong manh. Đừng dại dột đánh cược mạng sống của chính mình”. Trong thời gian tới, tác giả dự định tiếp tục khai thác mảng đề tài vượt biên, di dân, thảm nạn và hứa hẹn sẽ hoàn thiện những thông điệp qua các câu chuyện hành trình vượt biên trái phép qua “25 Độ Âm” phần 2.

Nhà văn Thảo Trang là một tác giả trẻ nổi bật của văn học Việt hiện nay, với những tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh ăn khách, đồng thời nhận được những phản hồi tích cực của khán giả trong nước và quốc tế. Tiểu thuyết “Tết ở làng Địa Ngục” đã tiêu thụ hàng chục nghìn bản và được chuyển thể thành phim, gặt hái được Giải thưởng Ngôi sao 2023, Hiện tượng phim ảnh của năm 2023; Giải thưởng Wechoice Awards - Phim truyền hình của năm 2023 và liên tục đứng Top 1 trên hai nền tảng phim trực tuyến Netflix và K+. Phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên sắp ra mắt, được đề cử giải thưởng Wechoice Awards - Phim điện ảnh của năm 2023...
Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Ánh lửa nhân văn từ bút ký ‘Người trên đường đời’ của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi
Ánh lửa nhân văn từ bút ký ‘Người trên đường đời’ của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi

Ngày 12/6, cuốn sách thứ 10 của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi mang tên “Người trên đường đời” ra mắt độc giả tại Thư viện Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN