Tỉnh Quảng Ninh chính thức lùi thời hạn di chuyển Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai (Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ) nằm bên bờ di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến hết năm 2018. Đồng chí Trần Xuân Cương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh giám sát tại Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng. Ảnh: baoquangninh.com.vn |
Cụ thể, ngày 15/7, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về duy trì Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng đến hết năm 2018. Theo đó, cho phép nhà máy này hoạt động đến hết ngày 31/12/2018.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu ngành than triển khai nghiêm túc các giải pháp đảm bảo môi trường như chấm dứt vận chuyển than bằng ô tô, có phương án chống bụi, xử lý nước thải, hạn chế bụi trong quá trình rót than xuống các phương tiện thủy, lắp đặt thêm hệ thống quan trắc môi trường tự động và công bố công khai các chỉ số về môi trường. Các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố Hạ Long phải phối hợp chặt chẽ giám sát việc thực hiện của ngành than.
HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu ngành than hoàn thành việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy sàng tuyển mới và báo cáo với tỉnh trong năm 2015. Năm 2017 - 2018, tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng tổ chức xây dựng nhà máy, hoàn thiện modun 1 và đưa vào vận hành đầu năm 2019, dự kiến công suất là 2,5 triệu tấn/năm.
Từ ngày 1/1/2019, nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng dừng hoàn toàn mọi hoạt động và tiến hành tháo dỡ, di chuyển vào khu vực nhà máy sàng tuyển mới để xây dựng thêm modun 2 có công suất 2,5 triệu tấn/năm. Nhà máy mới sau khi hoàn thiện sẽ đạt công suất 5 triệu tấn/năm.
Hiện nay, di sản-kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của Quảng Ninh đang bị một số nhà máy công nghiệp như xi măng, nhiệt điện, khai thác than, chế biến dầu thực vật... bao quanh, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn, làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển du lịch của tỉnh.
Mới đây nhất, tại buổi đối thoại với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã thẳng thắn từ chối dự án mở rộng giai đoạn II của Công ty xi măng Thăng Long. Việc di chuyển các nhà máy này ra xa vùng Vịnh Hạ Long là một chủ trương lớn, đúng đắn mà tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, theo Nghị quyết 33/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam phải thực hiện di chuyển nhà máy tuyển than này ra khỏi trung tâm đô thị của thành phố Hạ Long xong trước năm 2015.
Vào tháng 7/2012, tại buổi họp báo công bố sơ bộ địa điểm mới của nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai, UBND thành phố Hạ Long và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đưa ra phương án di chuyển nhà máy sàng tuyển than này đến khu vực khai thác của mỏ Suối Lai, thuộc phường Hà Khánh (thành phố Hạ Long), cách trung tâm thành phố Hạ Long chừng 7km.
Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự ủng hộ của người dân, bởi khu vực phường Hà Khánh đang có nhiều dự án xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Hạ Long. Vị trí mới này cũng không phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long. Hơn nữa, vị trí xây dựng nhà máy sàng tuyển than mới mà Tập đoàn Than - Khoáng sản đưa ra nằm ngay cửa sông Cửa Lục, giáp với Vịnh Hạ Long khiến nhiều người dân lo ngại, không đồng tình với phương án di chuyển này.
Trong lúc chưa tìm ra được địa điểm mới để di chuyển Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, tỉnh Quảng Ninh nêu lý do để lùi thời hạn việc di chuyển này đến hết năm 2018 là: Từ sau năm 2015, tổng nhu cầu than thành phẩm khu vực Hòn Gai lên tới 6,27 triệu tấn/năm (chủ yếu các hộ tiêu dùng như điện, xi măng) nên nếu dừng hoạt động nhà máy vào năm 2015 sẽ dẫn đến việc thiếu than chất lượng cao cho các hộ tiêu dùng ở khu vực Hòn Gai và Hoành Bồ. Thêm vào đó, các loại than chất lượng thấp không được qua sàng tuyển sẽ không được sử dụng ở khu vực Hòn Gai, phải chuyển đi vùng khác tiêu thụ sẽ làm tăng chi phí vận chuyển.
Theo Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam: Nếu phải dừng Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, tập đoàn sẽ phải đầu tư các hệ thống sàng phân tán nhỏ lẻ tại các mỏ. Việc sàng tuyển tại các cụm sàng của mỏ không đáp ứng được than chất lượng cao cho các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện và các hộ tiêu thụ khác.
Thêm vào đó, hiện nay có khoảng 1.500 lao động đang làm việc tại nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng. Tập đoàn chưa có phương án giải quyết việc làm, chế độ người lao động nếu như phải chấm dứt hoạt động nhà máy vào năm 2015 thì người lao động sẽ gặp khó khăn.