Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Nhà khoa học nữ với khát vọng hướng tới tương lai năng lượng xanh

Trước thực trạng suy giảm chất lượng môi trường và những tác động tiêu cực của các dự án năng lượng và phát triển kinh tế, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), chị Ngụy Thị Khanh, đã cố gắng thúc đẩy các kế hoạch phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, nhằm giảm sự lệ thuộc vào than và hướng tới một tương lai năng lượng xanh.

Chú thích ảnh
Chị Ngụy Thị Khanh tại lễ trao tặng giải thưởng "Anh hùng môi trường" năm 2018 do Quỹ môi trường Goldman (Mỹ) trao tặng. Ảnh: NVCC

Năm 2011, chị Ngụy Thị Khanh thành lập Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, cũng như mong muốn quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Đồng thời, chị cũng là thành viên sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) - mạng lưới gồm 11 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội của Việt Nam và quốc tế, nhằm hợp tác giải quyết về các vấn đề năng lượng trong khu vực. Với mong muốn làm giảm sự lệ thuộc vào các dạng nhiên liệu hóa thạch và điện than, chị Khanh đã tập trung làm việc với các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
 
Chị Khanh chia sẻ: “Tôi và các sáng lập viên thành lập GreenID để thúc đẩy các giải pháp phát triển Xanh, cải thiện công tác quản trị môi trường có sự tham gia tích cực của các bên liên quan, với mong muốn sẽ đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào lộ trình phát triển bền vững của đất nước. Như mọi tổ chức tự chủ khác, khi mới bắt đầu, chúng tôi phải tự xoay sở nguồn tài chính, đồng thời xây dựng đội ngũ và vấn đề thách thức hơn là làm sao để tạo dựng được sự tin tưởng, lắng nghe của các đối tác Nhà nước và cộng đồng vào cách tiếp cận theo hướng Xanh mà chúng tôi đưa ra”.

Năm 2013, chị đã hợp tác cùng các chuyên gia năng lượng và đã cho ra đời một nghiên cứu về cơ hội giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu nguồn cung năng lượng, theo hướng ủng hộ sự phát triển của các nguồn năng lượng bền vững. Nghiên cứu đã chỉ rõ sự đắt đỏ và nguy hại của nhiệt điện than khi nó được chọn là một nguồn phát điện chủ yếu và đề xuất các giải pháp thay thế. Cùng thời điểm đó, những vụ việc về môi trường liên quan đến năng lượng than ở Việt Nam đã nêu bật lên những hiểm họa của nhiệt điện than và thúc đẩy dư luận thảo luận nhiều hơn về tương lai năng lượng Việt Nam.

Với việc ứng dụng thành công mô hình MARKAL, chị Ngụy Thị Khanh đã thành công trong việc nghiên cứu mô phỏng cơ cấu nguồn điện tương lai của Việt Nam. Đây là một mô hình tiếp cận theo hướng từ dưới lên, linh hoạt và xem xét được nhiều thời kỳ. Mô hình này được phát triển bởi một nhóm các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào đầu những năm 1980, dựa trên ngôn ngữ tối ưu hệ thống mô hình đại số tổng quát (GAMS). Kể từ đó, mô hình này đã phát triển và được áp dụng cho một loạt vấn đề về năng lượng và môi trường ở nhiều nước, kể cả các nước không thuộc thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Bênh cạnh đó, mô hình MARKAL đã được ứng dụng thành công để đánh giá các vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng; danh mục ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển công nghệ mới; tác động và lợi ích của các quy định về môi trường; dự báo lượng phát thải khí nhà kính (KNK), đánh giá các dự án khí nhà kính và ước tính giá trị của quyền các bon.

Ở Việt Nam đã có rất nhiều nghiên cứu sử dụng mô hình MARKAL, như nghiên cứu tác động của việc phát triển điện gió và hạn chế phát thải CO2 đối với việc lựa chọn nhiên liệu và công nghệ sản xuất điện tương lai của Việt Nam; phân tích lộ trình phát triển năng lượng trong tương lai cho Việt Nam. Mô hình MARKAL xác định cơ cấu nguồn điện bằng cách sử dụng thuật toán tối ưu với tổng chi phí của hệ thống là hàm mục tiêu (là mô hình cực tiểu chi phí).

Chị Khanh cho biết: "Hiện chúng tôi đang thực hiện một số nghiên cứu để đóng góp cho việc thực hiện các chủ trương và chính sách của Nhà nước về Tăng trưởng Xanh, Phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy phát triển. Cụ thể, chúng tôi nghiên cứu các kịch bản, phương án phát triển điện sạch để kiến nghị giảm nhiệt điện than, không cần xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2020, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh sử dụng hiệu quả, hợp lý năng lượng ở các lĩnh vực. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về các mô hình phát triển năng lượng tái tạo tích hợp sản xuất nông nghiệp để góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, các nông hộ; đồng thời tích cực nghiên cứu và tìm kiếm cơ chế tài chính để cùng các đối tác thực hiện phong trào “triệu mái nhà xanh vì Việt Nam xanh thịnh vượng”. Ở cấp địa phương, chúng tôi nỗ lực cùng các đối tác nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp năng lượng sạch cho hộ gia đình, trường học và kiến tạo mô hình phát triển của cộng đồng xanh".

Theo đánh giá của các giới chuyên gia, kết quả nghiên cứu của chị Ngụy Thị Khanh có giá trị hướng tới giải quyết vấn đề năng lượng, môi trường cho thế giới và Việt Nam một cách bền vững. Nhờ việc sử dụng các nghiên cứu khoa học và thúc đẩy các cơ quan nhà nước tham gia vào vận động cho các dự án năng lượng dài hạn bền vững; giảm sự lệ thuộc nguồn than thông qua việc nêu bật những phí tổn và tác động môi trường của nhiệt điện than, ngày 23/4/2018, Quỹ môi trường Goldman chính thức vinh danh chị là một trong 7 gương mặt xuất sắc nhận Giải thưởng Môi trường Goldman 2018. Đây được coi là giải thưởng lớn nhất thế giới, dành cho các nhà nghiên cứu, hoạt động môi trường cơ sở, vì những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. 

Chị Khanh tâm sự:" Tôi rất tự hào là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng đại diện cho khu vực Châu Á năm 2018. Không phải chỉ cho cá nhân tôi mà chính vì sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam. Tôi cho rằng mỗi chúng ta đều có duyên với một lĩnh vực và cá nhân tôi có duyên với môi trường. Qua công việc thực tế, tôi ngày càng gắn bó và say mê với nó vì tôi hiểu rằng "Mẹ" môi trường cho chúng ta mọi nguồn sống, là nước uống, không khí để thở, không gian sống và sản xuất ra thực phẩm, của cải. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào môi trường, sự thay đổi ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động sống của chính chúng ta".

Lý Thanh Hương (TTXVN )
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Người tiên phong đưa giống bưởi đỏ về vùng đất đồi
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Người tiên phong đưa giống bưởi đỏ về vùng đất đồi

Dù nhiều người can ngăn, song chị Nguyễn Thị Hoài Anh (sinh năm 1974) cùng chồng vẫn quyết định bán đất, bán nhà ở Hà Nội về quê ở thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế (Bắc Giang) để trồng cây ăn quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN