Nguyên nhân là do một lượng lớn rác sinh hoạt từ các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông và nguồn nước bẩn từ quá trình sơ chế hải sản từ các cơ sở chế biến hải sản trực tiếp đổ ra sông mỗi ngày. Thực trạng này không những gây mất mỹ quan, ảnh hưởng sức khỏe đến người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguồn nước mặt.
Trên suốt chiều dài gần 1 km qua địa bàn khu dân cư hai xã Diễn Bích, Diễn Ngọc của sông Diễn Thủy dễ dàng tận mắt thấy vô số các loại túi ni lông, bao bì, vỏ chai lọ nhựa, thủy tinh kích thước lớn bé khác nhau, xác gia cầm, thùng xốp và một lượng lớn bèo Tây... trôi nổi khắp trên mặt sông. Cùng với đó là hàng chục ống vòi từ các cơ sở chế biến hải sản, hộ gia đình vươn ra mép bờ, trực tiếp xả thải nước bẩn, nước sinh hoạt xuống lòng sông.
Vào thời điểm nước cạn, hai bên bờ sông lộ rõ những vật dụng sinh hoạt đã hư hỏng, những bao bì đựng các loại rác, vỏ ốc mà người dân vứt còn nằm ngổn ngang. Tại những vị trí có nhiều tàu, thuyền đánh cá neo đậu thuộc địa bàn 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích có vô số các loại rác tồn ứ lâu ngày bốc mùi hôi khó chịu, nước sông tại những khu vực này vẩn đục, nổi váng. Ngoài ra, tại các chân kè, cầu cảng mà người dân tự ý xây dựng để thuận tiện đi lại, vận chuyển đồ đạc lên, xuống tàu, thuyền, các loại rác mắc cạn thành đống.
Đáng ngại nhất là tại ngã ba nơi hợp lưu giữa sông Diễn Thủy với sông Lạch Vạn xuất hiện một bãi rác tự phát đã tồn tại lâu năm trên bờ sông. Bãi rác này thuộc địa phận xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Tại đây, người dân đã đổ các loại rác thải với số lượng lớn trên suốt chiều dài hàng chục mét dọc bờ sông. Trong số đó có một lượng lớn vỏ ốc, vỏ sò nên không khí bốc lên nồng nặc, có mùi hôi, tanh. Mỗi khi thủy triều lên, một lượng lớn rác thải từ bãi rác này trôi ra sông Diễn Thủy.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Mùi hôi thối từ bãi rác tự phát dọc bờ sông trên địa bàn xã Diễn Thủy rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân sinh sống ở khu vực lân cận như các xóm Đông Lộc, Nam Thịnh…
Bà Nguyễn Thị Thân, xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết, nhà bà ở gần sông Diễn Thủy, thuộc khu vực cuối dòng. Thực trạng sông Diễn Thủy ô nhiễm bởi rác thải xảy ra từ nhiều năm nay. Những điểm rác ùn ứ, tồn đọng, mắc cạn thành đống trên bờ sông khiến môi trường ô nhiễm nặng. Đặc biệt, mỗi khi có xác gia súc, gia cầm từ thượng nguồn trôi về mắc cạn trên bãi rác thì mùi hôi rất khó chịu.
Nhiều năm qua, sông Diễn Thủy là nơi có hàng trăm phương tiện tàu, thuyền khai thác hải sản của ngư dân hai xã Diễn Bích, Diễn Ngọc neo đậu. Theo nhiều ngư dân có tàu, thuyền chuyên neo đậu trên sông Diễn Thủy, thực trạng các loại rác thải phát tán, trôi nổi trên mặt nước không chỉ khiến môi trường ô nhiễm mà còn gây cản trở đối với các tàu thuyền ra, vào lòng sông.
Việc sông Diễn Thủy ô nhiễm do rác thải cũng ảnh hưởng lớn đến các địa phương ở phía hạ nguồn các xã Diễn Thành, Diễn Thịnh… Đơn cử, xã Diễn Thành có khu du lịch biển là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài ngoài tỉnh đến tắm biển, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn xảy ra, cống 3 cửa nơi đầu nguồn sông Diễn Thủy vận hành xả lũ để tiêu nước cho sông Bùng thì rác thải cùng bèo tây (lục bình) trôi ra sông Lạch Vạn, đổ ra biển. Sóng biển và gió thổi mạnh khiến một lượng lớn rác trôi dạt vào bờ, gây ô nhiễm bờ biển khu du lịch biển Diễn Thành.
Bà Hồ Thị Tâm, Chủ tịch UBND xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, hằng năm có từ 4 đến 5 lần rác trôi dạt lên bờ biển Diễn Thành, gây ô nhiễm và mất mỹ quan khu du lịch biển; việc thu gom, dọn và xử lý rác rất mất thời gian, công sức và kinh phí.
Theo chính quyền địa phương hai xã Diễn Bích và Diễn Ngọc, sông Diễn Thủy bị ô nhiễm diễn ra nhiều năm qua. Năm nào chính quyền địa phương cũng tổ chức tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, không xả thải rác xuống sông Diễn Thủy. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn. Bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân vẫn lén lút xả rác, nước thải xuống sông, nhất là vào ban đêm, việc phát hiện và xử lý những hành vi này gặp khó khăn. Chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh nên người dân vẫn “nhờn”.
Ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, sau mỗi lần cống 3 cửa ở thượng nguồn sông Diễn Thủy xả lũ, huyện đều chỉ đạo các địa phương tổ chức lực lượng thu gom, dọn rác trôi dạt trên bờ biển các xã Diễn Thành, Diễn Kim và khu vực bờ sông các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích để đảm bảo môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của người dân ở các làng biển, khu dân cư. Tuy nhiên, do ý thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân sinh sống ở thượng lưu sông Bùng, dọc hai bên bờ sông Diễn Thủy chưa cao, nên rác sinh hoạt, chất thải khác vẫn đổ ra sông Bùng, sông Diễn Thủy. Việc gìn giữ môi trường trên sông Diễn Thủy không chỉ là trách nhiệm của chính quyền cơ sở mà cũng rất cần sự chung tay của người dân địa phương.