Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể dịp cuối năm

Doanh nghiệp lựa chọn suất ăn giá rẻ, nhiều công nhân phải chắt bóp chi tiêu ngay trong bữa cơm của mình do việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh... Đó là những lý do gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể, nhất là vào dịp cuối năm.


Bữa ăn giá rẻ


Theo báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh (ATVSTP), từ năm 2007 - 2012 tại thành phố xảy ra 88 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.884 người mắc và 1 người chết. Trung bình có 14,67 vụ/năm với 1.147 người mắc/năm và trong 6 năm qua có 1 người chết.

\Các công nhân Công ty TNHH Giầy da xuất khẩu Liên Phát (xã Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị ngộ độc được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN


Mặc dù trong 9 tháng đầu năm 2013, tại TP Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận 1 vụ ngộ độc tập thể khiến 164 người nhập viện, nhưng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ những suất cơm công nghiệp sản xuất tại TP Hồ Chí Minh. Ví dụ, trong ngày 4/10, hơn 900 công nhân của một công ty tại huyên Chợ Gạo (Tiền Giang) phải nhập viện vì bị ngộ độc từ suất ăn công nghiệp do công ty TNHH thương mại Hoa Lan ở 147/34 Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cung cấp. Gần đây trong ngày 18/10, hơn 100 công nhân công ty giày da Liên Phát (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã phải vào cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sau khi ăn suất ăn với giá 11.000 đồng...


Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong thời gian qua một phần là do những doanh nghiệp (DN) sản xuất thường chọn bữa ăn giá rẻ chỉ vẻn vẹn 7.000 - 10.000 đồng/suất, thời gian vận chuyển và điều kiện của phương tiện vận chuyển thức ăn sẵn không đảm bảo an toàn... Ngoài ra, vì đồng lương eo hẹp, cộng với việc chi phí sinh hoạt liên tục tăng cho nên một số công nhân đành mua những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, giá rẻ tại các khu vực chợ tự phát, chợ chiều…


“Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do chưa có quy định bắt buộc về năng lượng, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân. Do đó, nhiều DN sản xuất phó mặc cho các cơ sở cung cấp suất ăn, dẫn đến tình trạng chế độ dinh dưỡng bữa ăn của công nhân không bảo đảm. Qua theo dõi ghi nhận những đợt ngộ độc thực phẩm xảy những năm gần đây cho thấy, thông thường vào các thời điểm cận Tết (tháng 12) khi các đoàn kết thúc thanh tra kiểm tra ATVSTP, chuẩn bị cho việc đi kiểm tra nhóm đối tượng khác thì lúc đó ngộ độc thực phẩm tập thể mới xảy ra”, ông Hòa cho biết thêm.


Một đại diện của công ty TNHH Minh Nam chuyên chế biến thức ăn công nghiệp cho biết: "Chúng tôi cũng muốn chế biến những suất ăn có chất lượng, đảm bảo ATVSTP cho công nhân nhưng do DN sản xuất chỉ đặt hàng những xuất ăn giá rẻ. Mặt khác, chúng tôi đang phải cạnh tranh với nhiều công ty cung cấp thức ăn khác, nên thông thường một suất ăn chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng. Ngoài ra, còn nhiều chi phí ăn khác như: Thuê nhân công, tiền lời và cả hoa hồng, nên giá trị thực của bữa ăn của công nhân chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/suất.


“Với mức lương thấp, nếu để công nhân tự lo bữa ăn thì có thể dẫn tới những hệ lụy như: Không đủ sức làm việc, ngộ độc thực phẩm, xáo trộn giờ lao động…Vì vậy, nhiều DN nước ngoài mới miễn cưỡng mua bữa ăn giá rẻ cho công nhân”, đại diện Công ty Minh Nam cho biết thêm.


Tăng cường kiểm tra


Theo Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, khảo sát về dinh dưỡng bữa ăn của 1.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) ở TP Hồ Chí Minh cho thấy có gần 30% số công nhân bị suy dinh dưỡng. Trong đó, 20% công nhân bị thiếu máu và trên 70% bị thiếu i ốt, thiếu vitamin. Đặc biệt, tới 50% công nhân cho biết đã ăn mì gói 6 lần trong tuần, 80% bữa ăn hàng ngày chủ yếu chỉ dùng rau… Vì vậy, để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, trước hết DN cung cấp các suất ăn tập thể và người lao động nên dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trung bình một công nhân cần khoảng 2.800 - 4.000 calo/ngày, có như vậy mới đủ chất tái tạo sức lao động, tạo ra nhiều sản phẩm cho DN.


Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, ông Thái Hòa cho biết, thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP tại các cơ sở, các bếp ăn tập thể trong các KCN-KCX, tại các cơ sở sản xuất bữa ăn công nghiệp… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức về ATVSTP, đặc biệt tập trung vào nhóm cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể… kịp thời phát hiện, xử lý các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP trước khi tới tay người tiêu dùng.


"Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức của các DN sản xuất, bởi khi DN hiểu công nhân có sức khỏe tốt mới có thể tạo ra nhiều giá trị trong sản xuất kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích cho DN hơn, thì các doanh nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động", ông Lê Thái Hòa khẳng định.


Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN