Sau hơn một thập kỷ kiên trì bám trường, bám lớp, đạt tiêu chuẩn giáo viên dạy khá, giỏi, nhưng vì chỉ có bằng tại chức, 38 giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng tại 23 trường tiểu học trên địa bàn TP. Nam Định đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra đường để nhường chỗ cho các đồng nghiệp khác thuộc "biên chế".
Sống trong ... thấp thỏm
Tốt nghiệp lớp Cao đẳng tại chức Anh văn do Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định phối hợp với Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức, 38 giáo viên nói trên đã tham gia thi tuyển và được Phòng Giáo dục TP. Nam Định tuyển dụng qua nhiều đợt từ năm 1998 đến năm 2001. Do lúc đó địa phương đang rất thiếu giáo viên tiếng Anh, họ đã được đứng lớp luôn ngay cả khi vẫn chưa được cấp Bằng tốt nghiệp. Trong quá trình công tác, các giáo viên này đã cố gắng trau dồi thêm nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể đảm nhiệm công việc mà nhà trường giao phó; nhiều chị đã đạt tiêu chuẩn giáo viên dạy khá, giỏi. Nhiều người đã tiếp tục phấn đấu vừa giảng dạy, vừa theo học các lớp đại học tại chức tiếng Anh.
Những tưởng gặp may mắn khi được công tác ngay tại thành phố và được tạo điều kiện để yên tâm công tác, tuy nhiên trong suốt hơn 10 năm giảng dạy, các chị luôn lo lắng khi chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn 3 tháng/lần với tổng thời gian 9 tháng mỗi năm. Trong khi đó, thu nhập lại quá thấp không đủ để nuôi sống mình và gia đình. Cụ thể, sau nhiều lần được tăng lương, hiện tại hàng tháng mỗi giáo viên cũng chỉ nhận được khoảng 500.000-600.000 đồng/tháng (chưa trừ tiền đóng BHXH). Cá biệt, có nhiều người đi dạy cả năm chỉ nhận được vẻn vẹn 200.000 đồng sau khi trừ đi các khoản đóng bảo hiểm. Bốn người có mức lương "cao nhất" do dạy ở các trường điểm như Phạm Hồng Thái, Lê Quý Đôn cũng chỉ nhận được trên 1 triệu đồng/tháng (chưa trừ tiền đóng BHXH). Có người dạy ở ngoại thành, lương chỉ được 650.000 đồng/tháng lại còn chưa được đóng BHXH. Có nhiều người như các cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Phạm Thị Thúy, Phạm Thị Nhàn, Trần Thị Hải đang giảng dạy tại trường Nguyễn Trãi nhận được 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, nhiều giáo viên đã không được nhận tiền lương.
Rất nhiều chị có hoàn cảnh rất khó khăn, phải sống nhờ sự trợ cấp thường xuyên của gia đình hai bên nội ngoại. Cám cảnh hơn, có chị chồng mất phải một mình nuôi dạy 2 con nhỏ. Một số chị còn không dám sinh thêm cháu nhỏ vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng quá eo hẹp. Đấy là chưa kể đến những chị bị chồng dọa bỏ, gia đình nhà chồng dè bỉu, chê bai vì không có công ăn việc làm ổn định. Để có tiền trang trải cho gia đình mình, các giáo viên này phải bươn chải làm đủ mọi nghề, từ gia sư đến làm tiếp thị, bán bóng bay vào các ngày lễ, Tết... Chị Trần Thị Kim Yến, giảng dạy tại Trường tiểu học Hồ Tùng Mậu tâm sự: Chúng em sợ nhất là nghỉ hè vì nghỉ là không có lương, hơn nữa lại luôn thấp thỏm vì không biết sau 3 tháng hè, trường có gọi mình đi dạy nữa không. Một người khác bức xúc: Chúng tôi đi dạy không chỉ vì kiếm tiền mà vì danh dự của nhà giáo. Đang là giáo viên tự nhiên nghỉ dạy người ta lại dị nghị.
Phải chăng là "vắt chanh, bỏ vỏ"
Điều làm cho các giáo viên này lo lắng nhất là cứ vào đầu năm học mới, các chị lại được gọi lên thông báo rằng thành phố có chủ trương cho những giáo viên tiểu học tiếng Anh dạng hợp đồng nghỉ việc hết. Gần đây, Phòng Giáo dục thành phố thông báo tinh thần của các cấp có thẩm quyền đến các trường, theo đó chị em sẽ không còn cơ hội dạy học nữa vì bằng của họ là bằng tại chức. Ngành Nội vụ và ngành Giáo dục sẽ điều chuyển các giáo viên cấp 2 có biên chế xuống thay thế các chị.
Sau nhiều lần trì hoãn vì bị phản đối gay gắt, mới đây Phòng Giáo dục thành phố đã điều chuyển một giáo viên biên chế từ trường Trần Quốc Toản sang trường Trần Phú thay thế chị Đinh Thị Thu Hà, người đã có thâm niên 13 năm giảng dạy ở trường này. Bất ngờ bị mất việc, chị Hà lên gặp Hiệu trưởng thì được giải thích: Nhà trường đã có giáo viên tiếng Anh biên chế nên Phòng Giáo dục yêu cầu trường không được thu tiền học tiếng Anh của học sinh nữa. Do vậy, trường không có tiền để trả cho các giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng. Không chỉ riêng trường Trần Phú, hàng loạt các trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng đã truyền đạt chủ trương này của ngành Giáo dục cho các giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng.
Nguồn tin sét đánh này làm cho các chị thực sự choáng váng, hoang mang không biết bấu víu vào đâu. Số tiền thu của các học sinh (10 nghìn đồng/tháng theo quy định của HĐND thành phố) là nguồn kinh phí để chi trả lương cho các giáo viên tiếng Anh hợp đồng. Dù ít, đây là nguồn sống của chị em để tiếp tục nuôi hy vọng. Không cho thu khoản tiền này đồng nghĩa với việc 38 giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng phải nghỉ việc. Hiện nay tuổi đời các chị đã từ 35 đến 38 tuổi, nếu không được tiếp tục giảng dạy, họ sẽ đi đâu, làm gì trong khi còn cả gánh nặng gia đình? Lãnh đạo nhà trường cũng chỉ biết chia sẻ và thông cảm với hoàn cảnh của các chị. Cô Hoàng Thị Gái, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lộc An, nơi có 2 giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng từ năm 1998 và năm 2000 đề nghị: Nếu không thu tiền học tiếng Anh của học sinh thì phải cho các giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng vào biên chế. Không thể đẩy các cô đã phục vụ mười mấy năm ra khỏi trường được.
Dư luận đặt câu hỏi "Tại sao Phòng Giáo dục thành phố Nam Định có nhu cầu lao động dài hạn lại chỉ ký hợp đồng 3 tháng/lần với các giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học?". Việc này liệu có vi phạm pháp luật trong khi điều 27, khoản 2, Bộ luật Lao động năm 2005 quy định: "Không được ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 1 năm trở lên". Hơn nữa, theo điều 55 của Bộ luật này, "tiền lương của người lao động do 2 bên thỏa thuận... Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định". Rõ ràng, so với mức lương tối thiểu hiện nay, hầu như mức lương mà 38 giáo viên trên nhận được hàng tháng thấp hơn rất nhiều.
Đại diện cho 38 giáo viên tiếng Anh hợp đồng kể trên, một người bức xúc lên tiếng: Sau khi tốt nghiệp đại học tại chức, năm học 2009-2010, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu chúng tôi học thêm từ 8 đến 10 tháng để có chứng chỉ "tương đương với cử nhân tiếng Anh hệ đại học chính quy", vậy mà bây giờ vẫn lấy cớ để thải loại là thế nào? Trong khi đó, nhiều người học cùng khóa Cao đẳng Anh văn tại chức đã được vào biên chế tại các trường cấp THCS, cấp THPT, các trường trung học, cao đẳng, thậm chí cả trường Đại học Điều dưỡng, Đại học Sư phạm kỹ thuật công nghiệp trên địa bàn. Nếu ngành Giáo dục Nam Định không có nhu cầu thì sao không chấm dứt hợp đồng với chúng tôi ngay từ ban đầu để chị em đi tìm công việc khác khi còn trẻ mà cứ kéo dài tới hơn chục năm, đến khi chúng tôi đã ở tuổi xấp xỉ 40. Ngoài ra, chị em cũng cho rằng nếu tỉnh vin vào việc không tuyển dụng vào công chức những người có bằng tốt nghiệp tại chức (theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo - PV) thì hoàn toàn không đúng vì văn bản này ban hành năm 2007, trong khi các chị em đều có thâm niên giảng dạy trên chục năm.
Cần một cơ chế hợp tình, hợp lý
Trao đổi với báo giới, ông Lê Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục thành phố cho biết: "Đây là vấn đề lịch sử để lại, tồn tại đã hơn chục năm. Chúng tôi cũng rất muốn giải quyết dứt điểm vụ việc này. Hiện chúng tôi đang tập hợp hồ sơ báo cáo UBND thành phố và Sở Nội vụ để giải quyết". Còn bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định thì nói: Đây là việc "giải quyết hậu quả". Bà Tính cũng cho biết thêm là thành phố đang chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Nội vụ và UBND tỉnh để giải quyết vụ việc này.
Về phần mình, ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 50 giáo viên tiếng Anh tiểu học bằng tại chức chưa được tuyển vào công chức. Trước đó, năm 2001, tỉnh đã tổ chức sơ tuyển cho 1.000 giáo viên có bằng tại chức tiếng Anh do Trung tâm ngoại ngữ của Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Đại học Mở tổ chức, sau đó đã chọn được 240 giáo viên. Trong 240 người này có 140 người được tuyển vào công chức. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh không tuyển công chức đối với các giáo viên tiếng Anh có bằng tại chức nữa vì có Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy. Trả lời về vấn đề lương của các giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng thấp hơn mức lương tối thiểu và việc các giáo viên này chỉ được ký hợp đồng 3 tháng/lần trong suốt thời gian dài, ông Tiệp giải thích : "Đó là do các cô thỏa thuận với nhà trường và với phụ huynh học sinh". Ông Tiệp cũng cho biết thêm, UBND tỉnh đã giao cho thành phố xem xét và đề xuất hướng xử lý đối với những trường hợp giáo viên trên, nhưng hiện giờ thành phố vẫn chưa đưa ra đề xuất. Trong khi chờ đợi, các cô giáo vẫn đang đi dạy bình thường./.
Hữu Chiến