Hậu quả của những năm trước chưa xử lý xong thì những khúc mắc gây bức xúc cho người dân lại rộ lên. Nguy cơ hơn 6 ha ruộng cấy lúa nước phải bỏ hoang đang hiện hữu bởi nguồn cung cấp nước từ hồ thủy lợi đầm Mụa đã bị san lấp không thương tiếc. Và hệ lụy của nó là 52 hộ dân sinh sống nhờ vào việc gieo trồng lúa nay ruộng không có nước để cấy, mất đi một nguồn thu nhập chính.
Ông Tống Quang Sáu, Giám đốc Công ty Tân Phú cho biết, công trình thủy lợi đầm Mụa được UBND tỉnh Yên Bái giao cho Công ty TNHH Tân Phú quản lý khai thác từ năm 2017 đến nay (trước đó do UBND xã quản lý khai thác). Hàng năm việc cung cấp nước cho 6,04 ha ruộng cấy lúa nước ở cánh đồng đầm Mụa của xã Văn Lãng, huyện Yên Bình luôn đảm bảo đầy đủ. Nhưng kể từ khi khu công nghiệp xây dựng tuyến trục đường 1 làm lấp tới 2/3 diện tích hồ nên việc cung cấp nước cho cánh đồng Đầm Mụa bị thiếu trầm trọng, năm 2019 mức độ thiếu nước càng trầm trọng hơn, thậm chí nguy cơ ruộng bị bỏ hoang là rất lớn.
Công trình thủy lợi đầm Mụa có chiều dài của đập là 24m, mặt đập rộng 3m, cao 5m, với 3 ngách nằm sâu trong lòng các khe núi, dung tích chứa hơn 3.000m3 nước, đủ năng lực tưới cho 6,04ha ruộng hai vụ. Đến thời điểm hiện nay, khi phóng viên có mặt tại hiện trường quan sát cho thấy, hai ngách hồ đã bị lấp, ngách thứ nhất bị lấp hoàn toàn, ngách thứ hai có dung tích lớn nhất nằm ở gần cửa mương dẫn nước ra đồng đã bị lấp gần hết, chiều ngang chỉ còn chừng 6 - 7m, nhưng bị đất đá bồi lấp mực nước chỉ còn 0,3 - 0,6 m. Nhiều diện tích ruộng đã bị bỏ hoang từ vụ trước, còn vụ này thì đa số diện tích ruộng không đủ nước tưới để người dân làm đất cấy lúa.
Anh Phạm Văn Tân ở thôn Đồng Văn, xã Văn Lãng cho biết: "Gia đình có 4 khẩu sống nhờ vào 4 sào ruộng lúa ở đây. Kể từ xưa đến nay chưa bao giờ ruộng thiếu nước và mất mùa, nhưng gần đây do làm đường lấp đất vào hồ thủy lợi Đầm Mụa nên ruộng không có nước để gieo cấy lúa. Có lẽ vợ chồng tôi đành phải bỏ ruộng hoang để đi làm thuê kiếm sống thôi".
Nói rồi anh Tân chỉ tay vào những thửa ruộng ở phía trên ruộng nhà mình và kể vách vách từng hộ: Kia là ruộng của những gia đình Hoàng, Hương; Trường, Hà; Tiến, Thắm..., do thiếu nước nên họ đã phải bỏ hoang từ vụ chiêm. Giờ thời vụ đã cận kề mà không có nước để cấy nên cũng đành bỏ hoang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết, Ban quản lý đã cử đại diện cùng các thành phần là UBND huyện Yên Bình và một số sở ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh đến hiện trường tại công trình thủy lợi đầm Mụa làm việc về giải phóng mặt bằng và thống nhất ba nội dung: Thứ nhất là để đảm bảo ổn định lâu dài cho việc tưới tiêu của 6,04 ha đất trồng lúa tại thôn 2 và thôn 4 (còn được gọi là thôn Đồng Văn và thôn Đồng Tiến) cần đầu tư xây dựng trạm bơm và kênh mương nội đồng. Thứ hai là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái chủ trì báo cáo với UBND tỉnh Yên Bái cho phép đầu tư xây dựng trạm bơm và kênh mương nội đồng. Thứ ba là Công ty Phát triển Kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp báo cáo UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ xử lý kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình và đề nghị được kéo dài thêm thời gian thi công của công trình xây dựng trục đường 1 thuộc Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh.
Ông Hiền còn khẳng định, việc xây dựng trạm bơm như thế nào là do ngành nông nghiệp Yên Bái trình văn bản báo cáo UBND tỉnh, khi tỉnh đồng ý đơn vị chuyên môn của Sở sẽ khảo sát, thiết kế, còn Ban quản lý các Khu công nghiệp cần tập trung cho việc xử lý kỹ thuật của công trình sao cho đảm bảo chất lượng và không để thời gian thi công kéo dài quá mức so với kế hoạch đề ra. Như để khẳng định lại lời nói của mình ông Hiền dẫn Kết luận biên bản làm việc giữa các bên có liên quan ngày 14/3/2018; trong đó có đoạn: “… chúng tôi cùng nhau thống nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì báo cáo UBND tỉnh Yên Bái cho phép đầu tư xây dựng trạm bơm và kênh mương nội đồng phục vụ cho công tác tưới tiêu cho đất lúa khu vực thôn 2 và thôn 4 xã Văn Lãng”.
Trong khi đó, về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách mảng thủy lợi khẳng định: "Biên bản làm việc ngày 14/3 chúng tôi không tham dự nên không ký. Đến hôm nay chúng tôi mới biết có biên bản đó, vì Chi cục Thủy lợi chưa báo cáo Sở. Ban Quản lý các Khu công nghiệp là chủ đầu tư tuyến đường đã làm ảnh hưởng tới công trình thủy lợi thì họ phải có trách nhiệm xây dựng phương án khắc phục, chúng tôi không thể làm thay họ mà chỉ thẩm định xem việc xây dựng công trình thủy lợi đó có đảm bảo năng lực tưới và các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn chuyên môn của ngành hay không".
Thời vụ cấy lúa đã đến, trong khi lãnh đạo Công ty Tân Phú chạy đôn chạy đáo để đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái sớm vào cuộc lo khắc phục tình trạng cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 6 ha ruộng của dân, còn lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp lại chỉ tập trung lo việc xử lý kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình và đề nghị được kéo dài thêm thời gian thi công của công trình xây dựng trục đường 1 thuộc Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh mà không quan tâm khắc phục hậu quả do chính dự án mà mình làm chủ đầu tư đã gây thiệt hại đối với người dân xã Văn Lãng.