“Dịch tai xanh trên đàn lợn ở nước ta hiện nay có những diễn biến bất thường và có nguy cơ tiếp tục lây lan rộng ở miền Bắc”- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Diệp Kỉnh Tần nhận định tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và bệnh tai xanh tổ chức chiều 8/5.
Cụ thể, dịch đang xảy ra nhiều tại địa bàn các tỉnh miền núi. Tại tỉnh Lào Cai, dịch tái phát từ đầu năm đến nay. Đặc biệt từ ngày 14/4- 26/4, tại 83 hộ chăn nuôi ở các huyện Bảo Thắng, Bát Xát và Bắc Hà, có 995 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Còn ở tỉnh Điện Biên, dịch phát sinh từ ngày 12/3 và đến hết ngày 7/5, dịch đã phát ra ở 208 thôn của 15 xã thuộc huyện Điện Biên và 9 xã, phường của thành phố Điện Biên Phủ, khiến người dân phải tiêu hủy 10.156 con lợn. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm: Tại Phú Thọ và Nam Định, dịch phát sinh ở diện hẹp và hiện đang được khống chế. Ở tỉnh Quảng Ninh hiện đang lấy mẫu xét nghiệm và nguy cơ nhiễm dịch cao. Đặc biệt, ở Bắc Ninh, dịch đang diễn biến nhanh và mức độ nặng, xảy ra tại hai huyện Quế Võ và Gia Bình làm 1.087 con lợn mắc bệnh.
Nguyên nhân của việc bùng phát dịch tại các tỉnh miền núi được lãnh đạo Bộ NN&PTNT phân tích: nhiều khả năng do hệ thống con giống của miền xuôi “có vấn đề”, mang mầm bệnh lên các địa phương này.
Định hướng công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu Cục Thú y cần làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giám sát tiêu hủy, tránh tình trạng người dân xót của, đem lợn bệnh “bán chạy” khiến nguy cơ dịch lây lan rộng ra và càng khó kiểm soát. Đồng thời, các tỉnh có dịch phải tập trung dập dịch, tiêu hủy lợn bệnh; các tỉnh phía Bắc chủ động tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn; phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch tai xanh.
Theo Cục trưởng Cục Thú y, Cục đã cấp 180.000 liều vắc xin tai xanh để các địa phương ngăn chặn dịch lây lan. Hiện nay, nguồn vắc xin phục vụ phòng chống dịch chỉ còn khoảng 100.000 liều, có khả năng sẽ thiếu nếu dịch bùng phát rộng. Tuy nhiên Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đề nghị xem xét cấp thêm vắc xin cho chống dịch.
Mạnh Minh