Có lẽ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, tàn tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là những đứa trẻ may mắn nhất trong số những trẻ em không may mắn ở nước ta hiện nay. May mắn bởi thị trấn ven biển này có Trung tâm bảo trợ trẻ em Long Hải mà ở đây chúng được ăn, ở, học văn hoá, học nghề, vui chơi thoải mái không mất tiền. Người đem đến cái may mắn thật ý nghĩa đó là chị Lê Thị Trang Đài – người sáng lập và cũng là giám đốc Trung tâm bảo trợ này.
Thoạt nghe tưởng chị Lê Thị Trang Đài là một đại gia, nhưng thực ra, chị chỉ là một công chức hưởng lương nhà nước với chức danh Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Tp.Vũng Tàu (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Điều đặc biệt hơn nữa là Trung tâm bảo trợ trẻ em Long Hải mang danh là xã hội hóa nhưng miễn phí hoàn toàn với trẻ em của Trung tâm. Và để đem lại những đặc ân cho những đứa trẻ thiệt thòi của Trung tâm là một quá trình làm việc không mệt mỏi của Trang Đài với cái tâm của mình đã thuyết phục được các nhà tài trợ, nhất là các nhà tài trợ nước ngoài ủng hộ tiền xây dựng, trang bị và chu cấp cho Trung tâm này hoạt động.
Chị Trang Đài cùng các em nhỏ ở Trung tâm bảo trợ. Ảnh: Phương Liên. |
Duyên phận đưa Trang Đài đến với những đứa trẻ thiệt thòi là từ năm 2002, chị được lãnh đạo Sở giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu. Trực tiếp chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của các em, bị cha mẹ bỏ rơi, bị tật nguyền, nhiễm HIV/AIDS, bệnh hiểm nghèo… chị đã tự hứa sẽ chăm sóc các em hết mình để bù đắp phần nào những gì đáng ra một đứa trẻ được hưởng với hi vọng vào tương lai của các em sẽ tươi sáng hơn. Chị tâm sự, chỉ có chăm sóc các em thật lòng với cái tâm trong sáng thì chắc chắn các nhà hảo tâm sẽ không ngại ngần bỏ tiền của tài trợ để phụ giúp chăm lo cho các em. Và đúng như chị nói, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, trong đó có những đơn vị cam kết tài trợ lâu dài cho Trung tâm. Theo chị, điều quan trọng nhất là việc thu chi tài chính phải rõ ràng và hiệu quả trong việc sử dụng tiền tài trợ.
Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải ra đời cũng chính từ sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với Trang Đài và những việc làm tốt đẹp của chị. Trong những lần đi về tìm hiểu, giúp đỡ những trẻ em bị thiệt hại do cơn bão số 9 cuối năm 2006 gây ra tại thị trấn Long Hải, chị đã thuyết phục được Tổ chức Vì trẻ em đồng bằng Pháp (APER) tài trợ để xây dựng Trung tâm này. Và đầu năm 2009, giai đoạn 1 Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải đi vào hoạt động tiếp nhận gần 80 trẻ lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với người dân nghèo cũng như chính quyền địa phương nơi đây. Trực tiếp theo dõi, chứng kiến sự hiệu quả, tính thuyết phục của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải sau 3 năm hoạt động, trong buổi khánh thành giai đoạn 2 của Trung tâm này diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Christophe Carrat - Chủ tịch Tổ chức APER đã khẳng định: việc xây dựng trung tâm mới chỉ là khởi đầu, Tổ chức APER cam kết sẽ bảo trợ toàn bộ kinh phí để Trung tâm này hoạt động với quân số khoảng 300 em. Đây thực sự là tin vui đối với những đứa trẻ thiệt thòi trên địa bàn, đồng thời minh chứng cho tấm lòng cũng như những nỗ lực thực sự của chị Trang Đài trong công tác xã hội từ thiện.
Nhớ lại quãng thời gian 10 năm gắn bó với công việc chăm sóc, giúp đỡ trẻ em thiệt thòi ở tỉnh, chị Trang Đài không khỏi tự hào về những gì mình đã làm được. Chị cho biết, dù công việc bận rộn và sau này phải cùng lúc quản lý 2 Trung tâm (Vũng Tàu và Long Hải với quân số mỗi nơi hơn 100 em) nhưng chị đã trực tiếp hoặc làm cầu nối giúp đỡ được rất nhiều trẻ em thiệt thòi ngoài cộng đồng mà nay chị không thể nhớ hết nổi như: học bổng cho trẻ em nghèo, đỡ đầu cho trẻ mồ côi, hỗ trợ mổ tim, xây nhà tình thương. Còn đối với các em ở 2 trung tâm, nhờ nguồn tiền tài trợ, tiêu chuẩn bữa ăn của các em đã được nâng lên, đủ dinh dưỡng hơn, các em được khám chữa bệnh đầy đủ và có chế độ đặc biệt đối với những em bị bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, các em cũng được học võ, đàn, hát và hàng tuần còn được tổ chức đi tham quan, giao lưu, học kỹ năng sống…để phát triển toàn diện.
Được hỏi về kế hoạch của mình trong tương lai để có thể giúp được nhiều trẻ em thiệt thòi hơn, chị trả lời rất đơn giản rằng đối với các em, quan trọng nhất là tình thương, sự quan tâm, săn sóc và chị sẽ cố gắng làm thật tốt điều này. Theo chị, chỉ bằng hành động cụ thể, thực tế chứng minh thì các nhà hảo tâm sẽ không ngại ngần cùng chung tay giúp các em ngày càng nhiều hơn.
Nhìn những đứa trẻ quấn quýt bên chị, tiếp nhận sự chỉ bảo của chị, chúng tôi hiểu rằng, những đứa trẻ này đã thực sự coi chị là mẹ và xã hội chúng ta cần có những người như chị biết bao.
Đoàn Mạnh Dương