“Ông bảo tàng” là tên gọi thân mật và trìu mến mà bà con khối phố dành cho cựu chiến binh Vũ Đình Lưu mỗi khi có ai hỏi thăm “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông cùng tấm lòng và tâm sức ông dành cho nó. Hàng ngày trong căn phòng nhỏ rộng chưa đầy 40m2 đó, ông cặm cụi lau chùi những kỷ vật chiến tranh do chính ông sưu tầm, tìm kiếm hoặc do người khác hiến tặng một cách tỉ mỉ và kì công.
Tiếp lửa truyền thống
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ 9/17 đường Đặng Việt Châu – phường Cửa Bắc – TP Nam Định – tỉnh Nam Định, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu ngày càng được nhiều người biết đến bởi nơi đây chứa đựng nhiều ký ức về thời kỳ lịch sử hào hùng và gian khổ, khó khăn nhất của dân tộc ta.
Ông Vũ Đình Lưu bên các kỷ vật trong bảo tàng của mình. |
Sinh năm 1945, năm 24 tuổi (1969) cùng với nhiều bạn bè cùng trang lứa theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Vũ Đình Lưu lên đường nhập ngũ. Từng là Đại đội trưởng trinh sát 312, ông đã cùng các đồng chí, đồng đội của mình vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1974, ông bị thương nặng và rời quân ngũ. Hòa bình lập lại, ông làm Giám đốc Liên doanh Việt – Xô tại Đà Nẵng, năm 1991 ông trở về quê hương Nam Định và làm Giám đốc Công ty Xuất – Nhập khẩu của tỉnh. Đến năm 2004 thì ông về hưu và bắt đầu công việc sưu tầm kỷ vật.
Dẫn chúng tôi tham quan bảo tàng của mình, ông vừa kể lại nguyên cớ mà mình đi sưu tầm, tìm kiếm và thành lập bảo tàng kỷ vật chiến tranh như hiện nay. Trong một chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, tình cờ ông đào được những kỷ vật cũ là một chiếc màn vải, vài mảnh đạn và một khẩu súng tại nơi mà trước đây ông cùng đồng đội đã từng quần nhau với địch. Sau đó, khẩu súng thì ông giao nộp lại còn các kỷ vật đào được ông đều đem về nhà cất giữ làm kỷ niệm.
Từ đó trong ông luôn nung nấu một ý tưởng là đi tìm kiếm những kỷ vật của các đồng đội cũ để lưu giữ làm bảo tàng ký ức cho riêng mình. “Làm như vậy để lưu dấu quá khứ hào hùng của cả dân tộc. Đó cũng là cách để tri ân đối với những đồng đội đã khuất, đồng thời giáo dục các thế hệ con cháu mai sau về truyền thống yêu nước quý báu, về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông”, ông Lưu nói.
Với suy nghĩ như vậy, ông đã lặn lội đi đến khắp các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc để tìm kiếm và sưu tầm những kỷ vật trong thời kỳ chiến tranh. Sau nhiều năm lặn lội đi kiếm tìm, đôi chân ông đã đặt lên khắp nơi trên các chiến trường xưa kia từng in hằn dấu vết bom đạn như: Thành cổ Quảng Trị, chiến trường Tây Nguyên, chiến trường Đường 9 Nam Lào… Thậm chí ông còn sang tận bảo tàng Luông Pha Băng bên nước bạn Lào để xin và tìm kiếm kỷ vật, kết quả của chuyến đi đó chính là một chiếc hộp đựng thư mà giao liên của ta hồi chiến tranh đưa thư mật qua bên đất Lào.
Trong những chuyến đi kiếm tìm cổ vật của ông, có những chuyến đi dài, có những chuyến đi ngắn và gặp không ít gian nan, vất vả. Sau mỗi chuyến đi như vậy ông lại mang về lúc thì vài mảnh đạn pháo, khi thì chiếc áo trấn thủ, lúc thì lại là một bức thư hoặc cuốn nhật ký chiến trường… Tất cả các kỷ vật đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cuộc hành trình và những câu chuyện vui buồn trên đường đi.
Sản phẩm đầu tiên mà ông có được là một chiếc ba lô và một đôi dép cao su mà một đồng đội cũ mang đến tặng. “Lúc đầu tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ thành lập bảo tàng mà đơn giản chỉ là muốn đem những vật dụng đó về nhà để lưu giữ như một kỷ niệm cho bản thân”, ông tâm sự. Nhưng rồi, do tìm và sưu tầm được khá nhiều kỷ vật cộng với việc nhận thấy tại các bảo tàng hiện nay rất thiếu những tư liệu quý khiến thế hệ trẻ khó hình dung ra được quá trình chống giặc cứu nước của cha ông trước kia thì ông bắt đầu nghĩ đến việc trưng bày các hiện vật quý mà mình sưu tầm được để mọi người cùng tham quan tìm hiểu.
Thế rồi, ông bắt đầu kì cạch đóng hòm, đóng tủ và thuê thợ về xây nhà trưng bày và “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông chính thức được khai trương ngay tại nhà của mình đúng vào Ngày truyền thống Quân đội nhân 22/12/2007. Chỉ tay nhìn vào tủ kính, ông Lưu kể: "Ngày 2/5/2007, sản phẩm đầu tiên vào phòng trưng bày này là cái ba lô, đôi dép cao su của người đồng đội. Còn kỷ vật mà tôi mang về từ chiến trường là một chiếc võng, một chiếc màn và tấm vải dù”.
Những ngày đầu thành lập, bảo tàng của ông chỉ có khoảng trên dưới 400 hiện vật do cá nhân ông sưu tầm và lưu giữ được. Về sau, những đồng đội cũ, bạn bè xa gần khi hay tin đã tìm đến và hiến tặng những kỷ vật của cá nhân họ cho bảo tàng. Tính từ lúc khai trương đến nay, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu đã có gần 1.000 các kỷ vật lớn nhỏ.
Kho tư liệu quý
Hiện tại, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông còn lưu giữ được khá nhiều các kỷ vật quý, có giá trị lịch sử rất cao. Tất cả các kỷ vật này đều được chủ nhân của chúng giữ gìn rất cẩn thận trong tủ kính, trong hòm riêng và ông Lưu còn cẩn thận chú thích rất chi tiết, rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ vào phía dưới mỗi kỷ vật. Nhiều kỷ vật trong bảo tàng của ông rất đỗi thân thuộc đối với một người lính đi chiến trận năm xưa như chiếc gậy Trường Sơn, tấm áo trấn thủ, đôi dép cao su đã mòn gót hoặc những thứ vũ khí được quân dân ta sử dụng trong chiến đấu tuy thô sơ nhưng một thời đã làm cho kẻ thù khiếp vía: Dao găm, mã tấu, bàn chông gài bẫy địch, cung nỏ…
Những hiện vật quý đều được ông bảo quản và lưu giữ trong tủ kính cẩn thận. |
Để người xem tiện tham quan và dễ hình dung, ông sắp xếp và phân chia các kỷ vật thành 3 khu vực rất rõ ràng, khoa học: Thời kì kháng chiến chống Pháp; thời kì thời kháng chiến chống Mỹ và các kỷ vật của thời kỳ bao cấp. Trong đó nhiều nhất là khu chống Mỹ với hơn 500 kỷ vật, thời kháng chiến chống Pháp với gần 200 kỷ vật. Chính vì sự sắp xếp khoa học đó cho nên dù diện tích phòng trưng bày tuy nhỏ (khoảng 40m2) mà số hiện vật lại nhiều nhưng không vì thế mà lộn xộn, chật chội. Trái lại còn rất gọn gàng, ngăn nắp.
Trong bảo tàng của ông, có nhiều những kỷ vật quý mà các bảo tàng quân sự, Bảo tàng lịch sử tỉnh Nam Định thường xuyên mượn để trưng bày như: Bản đồ biệt khu thủ đô kháng chiến Việt Bắc trước năm 1975, mũ đội đầu của phi công chiến đấu của quân đội ta, các loại súng dã chiến…Tuy nhiên, đặt ở vị trí trang trọng nhất trong bảo tàng chính là khu vực lưu giữ những kỷ vật là những cuốn sổ tay, nhật ký chiến trường, những bức thư, những câu chuyện cảm động của các chàng trai, cô gái đã mãi mãi ra đi vì Tổ quốc khi tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi. Lý giải điều này, ông cho biết: “Họ là những người đã dành tất cả tuổi thanh xuân cũng như cuộc đời của họ cho dân tộc, cho Tổ quốc nên những kỷ vật của họ rất đáng được nâng niu, trân trọng”.
Trong khu vực trưng bày này, mỗi kỷ vật thường gắn với một câu chuyện cảm động, chẳng hạn chuyện về chiếc ruột tượng của một anh bộ đội ở Mỹ Thuận (Nam Định). Hồi năm 1952, anh bộ đội này đóng quân ở Hà Đông trong một gia đình có một cô con gái, và hai người rất yêu nhau. Trước khi anh bộ đội đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cô gái nói: “Nếu anh đi hoàn thành nhiệm vụ có huân chương mà trở về, mang cái ruột tượng này về thì tôi sẽ lấy anh làm chồng!”. Năm 1954, giải phóng Điện Biên Phủ anh bộ đội ở lại chiến trường Tây Bắc làm kinh tế, 4 năm sau mới trở về. Chiều hôm nay anh về thì sáng hôm sau là đám cưới của cô gái với người khác. Anh bèn mang chiếc ruột tượng về đưa cho cô gái và nói: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. Ngày trước cô hứa lấy tôi làm chồng rồi, bây giờ thì thế nào?”. Nghe thấy vậy, cô gái kia bèn tức tốc sang nhà chồng sắp cưới, kiên quyết không đồng ý cưới nữa mà quay trở lại lấy anh bộ đội nọ. Bây giờ cả hai ông bà đã già và đang sống với nhau rất hạnh phúc.
Để việc bảo quản những kỷ vật này được tốt, ông Lưu còn kỳ công trang bị hệ thống chiếu sáng, máy hút bụi, hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa để tiện phục vụ cho công tác bảo tồn kỷ vật. Mỗi tháng, ông lại cẩn thận ghi chép, thống kê lại các kỷ vật rồi báo cáo chi tiết về tình hình sử dụng, hiện trạng của các hiện vật trong bảo tàng lên các cơ quan chức năng.
Chỉ tay vào một chiếc hũ đã bạc màu thời gian, ông Lưu cho biết: “Đây chính là kỷ vật của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã Trung Thành (Vụ Bản, Nam Định). Trước đây khi tiễn người con trai lên đường nhập ngũ, mỗi ngày bà lại bỏ vào trong hũ một hạt đậu xanh để tính quãng thời gian người con xa nhà đi chiến đấu cho đến khi chiếc hũ đầy ắp mới thôi”. Sau này, bà đã hiến tặng lại chiếc hũ cho ông để lưu giữ trong bảo tàng.
Ông Lưu cũng cho biết thêm, “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Nam Định, và hiện tại, ông vẫn tiếp tục công việc sưu tầm và tìm kiếm thêm các kỷ vật để cố gắng hoàn thiện thêm về mặt số lượng cũng như chất lượng của bảo tàng.
Mỗi ngày “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Vũ Đình Lưu là nơi đón tiếp hàng trăm lượt khách là những bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến tham quan và tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử của dân tộc thông qua những kỷ vật mà ông sưu tầm được. Không những vậy, bảo tàng của ông Lưu còn là nơi giao lưu, gặp gỡ của các cựu chiến binh, các đồng chí lão thành cách mạng trong và ngoài tỉnh Nam Định tụ họp về để ôn lại những kỷ niệm một thời đã qua.
Hồng Trần