Nỗ lực giữ gìn Trong gia đình, ông Quýt là đời thứ 3 kế tục nghề làm “bánh xe nước”. Từ năm 18 tuổi, ông đã tập vót tre, chẻ nan cùng cha làm “bánh xe nước”. Cứ như vậy, nghề này đã ăn vào máu thịt ông, khiến ông gắn bó trọn đời với nó. Mỗi lần nhắc đến nó, ông tự hào lắm, như nhắc về thần tượng là chính người cha của mình, một “trùm” xe có tiếng thời bấy giờ.
Bờ xe nước mô phỏng được làm bằng chất liệu tre, dây kẽm, đồng và cước. |
Ông Quýt kể rằng: Thời xưa, để có nước tưới cho ruộng đồng, cha của ông cùng nhóm thợ do ông chỉ huy phải ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ để đóng cọc, tạo khung... phải mất vài tháng, thậm chí gần cả năm mới xong một bờ xe nước. “Nó đẹp lắm, cứ chiều xuống, bóng hoàng hôn đổ lai láng dưới mặt sông Trà, ngồi ở bờ ngắm nhìn y hệt một bức tranh do họa sĩ nào đó vung bút vẽ”, ông tự hào khoe.
Rồi cái thời huy hoàng trôi qua nhanh, bờ xe nước được thay bằng đập thủy lợi, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, công trình ấy không còn hiện diện trên dòng sông kia nữa, ông Quýt cũng như những người con Quảng Ngãi cảm thấy hụt hẫng vì mất đi một hình ảnh gắn liền với tuổi thơ. Cũng chính vậy, ông quyết tâm lưu giữ nghề làm “bánh xe nước” và lặng lẽ dày công phục dựng nó từng ngày.
Ông Quýt cho hay: “bánh xe nước” tôi làm ra có nhiều kích cỡ, nhỏ nhất thì 2 bánh, nhiều thì 9 bánh, chiều cao từ 2 - 4 m. Tuy có thay đổi nguyên vật liệu ít nhiều nhưng hình dạng "bánh xe nước” vẫn như cũ, giá bán từ 3 - 5 triệu đồng/bánh.
Do làm thủ công nên thời gian hoàn thiện khá lâu, cái nhỏ nhất (2 bánh) ông cũng phải mất 10 ngày hoặc nửa tháng. Thay vì dùng dây mây rừng, dây lạt thì ông Quýt nghĩ ra cách dùng dây kẽm, dây đồng, cước để kết các chi tiết bằng tre của bánh xe nước lại với nhau, rồi phủ thêm lớp sơn màu bạc bên ngoài nhằm tăng tuổi thọ sản phẩm. Công đoạn khó nhất khi làm một bánh xe nước là làm bánh cho cân bằng để khi vận hành không bị lỗi, quay vòng trơn tru. Việc này đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mẩn và khéo tay.
Để mặt hàng của mình đến tay nhiều người, ông Quýt đã tính toán kỹ đến thị trường tiêu thụ. Đối tượng mà ông hướng đến là các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… vì những nơi này thường cần những thứ độc, lạ để trang trí.
Anh Trương Trung Thanh, chủ nhà hàng - Trạm dừng chân Tri Kỷ, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi cho biết: Tôi đặt mua "bánh xe nước" của nghệ nhân Quýt bởi tôi muốn nhà hàng mình có sự khác lạ, khi khách (đặc biệt là người Quảng Ngãi) đến đây nhìn vào đó, có cảm giác được quay về với kỷ niệm một thời.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài thị trường chính là Quảng Ngãi, một số nơi như Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Nam… cũng đặt mua hàng của ông thường xuyên với hàng trăm "bánh xe nước" được xuất bán.
Nỗi lo mai một Đối với ông Quýt, nỗi lo lớn nhất khiến ông luôn trằn trọc, suy tư là nghề làm “bánh xe nước” sẽ thất truyền. Có thể điều đó đúng khi thế hệ của ông không còn mấy người thạo và lớp trẻ sau này cũng chẳng ai mặn mà theo học. "Cái nghề truyền thống này không biết sẽ lưu giữ được bao lâu nữa, chắc rồi cũng theo tôi về cát bụi”- ông Quýt tâm sự.
Gác lại những trăn trở ấy, ông dồn hết tình cảm vào những thớ tre, làm ra những sản phẩm có hồn hơn để người đời được chiêm ngưỡng, để những giá trị truyền thống của dân tộc mãi trường tồn theo năm tháng. Giữa cơn mưa, ông Quýt nhẹ tay quay một vòng bánh xe nước vừa làm xong, trầm ngâm: cuộc đời như một vòng xoay, có lúc phải dừng, không gì là mãi mãi...
Ông Cao Chư - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bờ xe nước” là biểu tượng của Quảng Ngãi khi xưa, thể hiện sức sáng tạo vô hạn của cộng đồng dân cư gắn liền với nông nghiệp. Từ Bắc vào Nam đều có guồng xe nước, nhưng khi nhắc đến nó người ta nghĩ ngay đến Quảng Ngãi là bởi nơi đây có số lượng công trình nhiều, quy mô lớn, có thời điểm lên tới con số 98 bờ xe nước, tập trung ở sông Vệ và sông Trà. Điểm khác biệt nữa là ở số bánh xe, nếu ngoài Bắc chỉ có một thì trong này có đến 10 - 12 bánh. Kiến trúc này được đánh giá rất cao và được một công sứ người Pháp nghiên cứu, làm hẳn một chuyên đề về nó nên người Quảng Ngãi rất tự hào.
Ông Chư thông tin thêm: Quảng Ngãi cũng đã có ý tưởng đắp đập dâng để phục dựng lại "bờ xe nước" nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Có được những người như ông Quýt là điều đáng quý, ông đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống.