Người lính Trường Sa năm xưa - Người lính hội nhập 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966, trú tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, là một trong số ít những người lính trở về sau trận chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa năm 1988, vượt lên thương tật (thương binh hạng 2/4), làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng năm khoảng 3 tỉ đồng.

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng được công nhận là Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật vào ngày 20/12/2019 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Văn Dũng được đồng đội gọi là "Dũng Trường Sa" bởi lẽ những năm trong quân ngũ của mình, Trường Sa gắn bó với ông như máu thịt. Trong những câu chuyện ông kể với con cháu và mọi người đều là những kỷ niệm năm tháng hào hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa; những vất vả, nhọc nhằn của người thương binh nặng khi trở về với cuộc sống đời thường, sự nỗ lực vươn lên như ngày nay…

Tháng 2/1987, ông Dũng lên đường nhập ngũ và công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Trong nhiều trận chiến với các tàu địch để bảo vệ đảo, ông Dũng đã bị đứt lìa một chân. Mặc dù đã mất đi 61% sức khỏe, đi lại bất tiện thế nhưng ông Dũng vô cùng lạc quan, yêu đời: "Những năm sống ở Trường Sa là những ngày tháng thật khó quên. Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió ấy đã mài dũa, tiếp thêm ý chí, nghị lực và niềm tin cho tôi", ông Dũng chia sẻ.

Điều đặc biệt ở người Bộ đội Cụ Hồ này là không đầu hàng khó khăn, thương tật. Ngay khi được phục viên trở lại với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng tìm đến bãi biển gần nhà để tập trị liệu cho đôi chân mà không cần người thân ở bên giúp đỡ. Đây cũng là cơ duyên đưa ông Dũng đến với việc kinh doanh ăn uống, giải khát ven biển như ngày nay.

Có được ý tưởng trên, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ cùng với sự động viên của bà con, đồng đội và sự giúp đỡ nhiệt tình của các ban, ngành ở địa phương, cộng với việc tự tìm tòi học hỏi, năm 1993 ông Dũng quyết định mở "Lữ quán Thiên Phước". "Từ quân ngũ bước ra nên không có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh, tôi phải đi học thêm: Thiết kế cầu phao, làm bè giữ hàng hải sản và nghiên cứu xây dựng nhà hàng với mô hình miền biển dân dã… Thậm chí, năm 2008, khi đã 42 tuổi, tôi còn đi học đại học ngành Quản trị kinh doanh để phục vụ công tác quản lý nhà hàng", ông Dũng nói thêm.

Những năm đầu tiên kinh doanh nhà hàng vẫn còn nhiều khó khăn, sau một thời gian ông Dũng thu về bình quân gần 1,5 tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 15 lao động chính thức và 30 lao động thời vụ, trong đó có nhiều người là con em thương bệnh binh đồng đội, bộ đội xuất ngũ và lao động có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Năm 2018, thu nhập của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng đạt gần 3 tỉ đồng sau khi trừ hết chi phí, 50 lao động làm việc cho ông Dũng cũng có thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng.

Dù không còn làm việc tại quân ngũ nhưng ông Dũng vẫn mang trong mình tính kỷ luật rất cao. Không chỉ với bản thân, đối với mỗi nhân viên, người lao động khi làm việc ông yêu cầu họ phải luôn tự hoàn thiện mình - từ việc ăn uống ngủ nghỉ cá nhân cho đến tác phong, lề lối làm việc.

Khi nói về chuyện làm ăn, ông Nguyễn Văn Dũng bộc bạch: Để doanh nghiệp đứng vững trong điều kiện nhiều khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ mình may mắn và được sự trợ giúp của những đồng đội đã khuất. Bên cạnh đó, hàng năm tôi cũng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hiện đại, tổ chức cho cán bộ, nhân viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xây dựng nhà hàng thành khu du lịch sinh thái.

Điều đặc biệt nữa ở người Bộ đội Cụ Hồ này là ông rất "mê" làm từ thiện, không kể đến những năm người cựu chiến binh "tập tễnh" làm kinh doanh thì những năm về sau, khi đã hoạt động kinh doanh ổn định, có doanh thu, ông Dũng tìm cách liên lạc rồi tham gia tổ chức kết nối anh em và giúp đỡ thân nhân của những đồng đội cũ. Ông cũng nhận phụng dưỡng, chăm sóc mẹ của một đồng đội kề vai sát cánh cùng ông - người đã hy sinh trong trận đấu bảo vệ đảo năm 1988. 

Chú thích ảnh
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng kiểm tra rau trong vườn do ông và cộng sự cùng trồng tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang. 

Ngoài ra, hàng năm ông Dũng còn tặng báo cho các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa; hỗ trợ giúp đỡ những người nghèo, người khuyết tật, học sinh khó khăn hiếu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đầu năm 2013, với tình nghĩa sâu nặng dành cho đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng vận động được 4 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng cùng 4 suất quà tặng những gia đình có người thân hy sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma, huyện đảo Trường Sa.

Ông Nguyễn Sỹ Ngữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, cho biết cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng là người rất quý trọng và hết lòng giúp đỡ anh em đồng đội cùng vượt qua khó khăn, ghi nhận những thành tích của người thương binh "tàn nhưng không phế", nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Dũng đã được các cấp Trung ương, địa phương khen thưởng.

Năm 2008, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng Cúp vàng doanh nhân, cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa. Ngoài ra, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng còn được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng giải thưởng "Người lính với hội nhập", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen vì có thành tích vượt khó làm giàu.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Cựu chiến binh trở thành tỷ phú nông dân từ hai bàn tay trắng
Cựu chiến binh trở thành tỷ phú nông dân từ hai bàn tay trắng

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, không lùi bước trước bất cứ khó khăn, thách thức nào, bằng quyết tâm và nghị lực, từ hai bàn tay trắng, cựu chiến binh Trần Đình (54 tuổi) ở Giang Thượng, phường Tân Dân, thành phố Chí Linh, Hải Dương, đã từng bước biến giấc mơ thành hiện thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN