Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng đoàn phát biểu cho biết, ngày 19/3/1967, cán bộ, chiến sĩ bộ đội đặc công đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đến xem bộ đội đặc công trình diễn kỹ thuật và công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Tại buổi lễ trọng thể này, Bác Hồ đã trực tiếp huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ đặc công là: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất cứ nhiệm vụ gì, bất cứ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt, bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được”…
Trong không khí thân tình và đầm ấm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng và xúc động khi gặp các cựu chiến binh Bộ đội Đặc công - những người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới các cựu chiến binh đặc công những tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhắc lại lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày công bố thành lập Binh chủng Đặc công, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ, trân trọng công ơn, sự hy sinh, những cống hiến to lớn, đóng góp quý báu của các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có cựu chiến binh đặc công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thực hiện nhiệm vụ quốc tế và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Suốt gần 53 năm qua, các thế hệ, chiến sĩ binh chủng đặc công đã luôn khắc sâu lời dạy của Bác, đoàn kết, chiến đấu ngoan cường, anh dũng, mưu trí, táo bạo, lập nên nhiều chiến công làm cho kẻ thù luôn bị động, khiếp sợ. Binh chủng đặc công không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và luôn nỗ lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, Binh chủng đặc công đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; Huân chương Quân công hạng nhất; được tặng 16 chữ Vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ; Anh dũng tuyệt vời; Mưu trí táo bạo; Đánh hiểm thắng lớn”.
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, các cựu chiến binh của Binh chủng Đặc công tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, kinh doanh, nhiều cựu chiến binh đặc công đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương, trong đó có cựu chiến binh đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như đồng chí Nguyễn Cao Chí, nguyên Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội và cựu chiến binh là những doanh nhân thành đạt, làm chủ doanh nghiệp tiêu biểu...
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà các cựu chiến binh đặc công đã đạt được; đồng thời đánh giá cao vai trò của Ban liên lạc Cựu chiến binh Bộ đội Đặc công trong suốt thời gian qua đã tập hợp lực lượng cựu chiến binh Bộ đội đặc công trên cả nước, tổ chức các chuyến đi ý nghĩa và nhiều hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, giúp nhau thoát nghèo, đặc biệt là tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng đội đưa về địa phương, về với thân nhân, gia đình… Qua đó, góp phần nâng cao truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, trong đó có việc thực hiện chính sách đối với cựu chiến binh cũng như hoạt động của các hiệp hội, tổ chức thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, các đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi từng bước được nâng cao, công tác chăm sóc người có công ngày càng hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Trong hoạt động của mình, Quốc hội luôn coi trọng đặc biệt đến chính sách đối với người có công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo xem xét, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất và bảo đảm công bằng, hợp lý trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, cũng như thân nhân người có công.
Nhấn mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, tuy nhiên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thông báo với các cựu chiến binh đặc công năm 2019 lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập của Việt Nam cán đích 500 tỷ USD, trong đó mấy năm gần đây xuất siêu liên tiếp; 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao dự kiến sẽ đạt và vượt… Trong Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua một số luật, Bộ luật…
Khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an ninh, quốc phòng để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nhấn mạnh sự đóng góp của các cựu chiến binh đặc công là to lớn, là niềm tin, niềm tự hào, Chủ tịch Quốc hội mong các cựu chiến binh tiếp tục tổ chức tốt việc giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cựu chiến binh giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Lực lượng Cựu chiến binh đặc công nói riêng và cựu chiến binh cả nước nói chung phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, gương mẫu, nêu gương cho con cháu, thế hệ trẻ…
Mỗi cựu chiến binh luôn là một nhân tố tích cực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, có ý chí phấn đấu vươn lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội mong các cựu chiến binh đặc công sẽ tiếp tục truyền lửa, truyền kinh nghiệm quý báu để xây dựng Binh chủng Đặc công ngày càng tinh nhuệ, “đánh hiểm, thắng lớn” trong mọi tình huống; không ngừng nêu cao ý chí tự lực tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, cùng vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, phấn đấu làm giàu chính đáng, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Cựu chiến binh gương mẫu thực hiện, tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định ở cơ sở, thi đua lao động sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Cựu chiến binh đặc công vận động hội viên và Cựu chiến binh phát huy truyền thống, triển khai thực hiện tốt các hoạt động tình nghĩa, tạo sự kết nối, gắn bó giữa cựu chiến binh với cựu chiến binh và giữa cựu chiến binh với Ban liên lạc, với tổ chức Hội…
Chuẩn bị bước sang năm mới 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc các cựu chiến binh cùng gia đình mạnh khỏe, thành công, hạnh phúc. Chủ tịch Quốc hội kính chúc bác Huỳnh Đắc Hương (năm nay tròn 100 tuổi), bác Lê Ngọc Quỳnh (năm nay 88 tuổi) và các bậc cao niên khác thật nhiều sức khỏe, luôn sống vui, sống khỏe cùng con cháu.