Người dân nói gì về thiết bị truyền tin thông minh thay thế loa phường?

Từ tháng 11/2017, hơn 200 thiết bị truyền tin thông minh được trang bị thí điểm tại 3 quận Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm. Sau một thời gian sử dụng, người dân nói gì về thiết bị này?



Ông Nguyễn Xuân Nguyên (Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết: Thiết bị thông minh có tác dụng thông tin truyền đạt từ trên phường xuống địa bàn kịp thời nhanh chóng. Chất lượng dùng thử thấy ổn định, có ích nhất trong thực tế báo trộm, thời gian mỗi lần mở cửa đều được thể hiện trên điện thoại thông minh. Vấn đề gặp khó hiện nay là người sử dụng phải sử dụng điện thoại thông minh, tính phổ cập không cao. Nếu phát miễn phí thì chúng tôi sử dụng chứ bỏ tiền ra mua để sử dụng các chức năng trên thì khó.


Trong khi đó, do gia đình làm nghề kinh doanh bận rộn cả ngày nên trước đây ông Nguyễn Văn Đăng (phường Thành Công, quận Ba Đình) ít khi có thời gian tập trung nghe những bản tin từ loa phường. Kể từ ngày được thí điểm sử dụng thiết bị truyền tin thông minh, ông có thể vừa bán hàng, vừa nghe tin tức. Ông Đăng còn có thể sử dụng nhiều ứng dụng như: thanh toán các loại hóa đơn internet, điện, nước, truyền hình. Đặc biệt, thiết bị này còn có tác dụng chống trộm. “Buổi tối, mọi thành viên trong nhà đều sinh hoạt ở các tầng 2,3,4, tầng 1 để đồ nhưng trước tình hình trộm cắp phức tạp, gia đình chúng tôi luôn lo lắng. Đến khi có thiết bị thông minh có chức năng chống trộm này, tôi chỉ việc cái đặt và kết nối thiết bị với điện thoại. Chỉ cần có người mở cửa tầng 1 là thiết bị đã báo vào điện thoại của tôi chỉ bằng âm thanh như báo tin nhắn nên gia đình tôi rất yên tâm”.


Dù vậy, bà Đặng Thị Xuân ( Yên Hòa) chia sẻ: Từ khi được lắp đến nay bà không nghe được do tiếng quá bé không có chiết áp để điều chỉnh âm lượng. Không tiện như hình thức như sử dụng tin nhắn của phường hiện nay vì không thể nào căn đúng giờ đó để nghe.

Thiết bị thông minh này có tên là M – GATEWAY.

Thiết bị thông minh này có tên là M – GATEWAY, do hai nhà mạng Vietel và Mobiphone cung cấp, lắp đặt. Hình dáng, kích cỡ giống như một chiếc modem wifi, được lắp đặt trong nhà dân. Thông qua các thiết bị thông minh này, người dân có thể nhận được thông tin của địa phương, các chương trình tuyên truyền của thành phố, quận và phường dưới dạng âm thanh tương tự như loa phường.


“Sau 2 tháng thí điểm, thiết bị thông minh đã cho thấy ưu điểm so với loa phường cũ. Nhiều người dân khẳng định, công tác thông tin theo hình thức này tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp nhận thông tin cơ sở và tích hợp được nhiều hình thức trao đổi hai chiều.Khi phát sóng, UBND phường cũng có thể kiểm tra được hộ nào đang mở máy hoặc hộ nào tắt máy. Hiện phường Thành Công có 50 hộ dân thuộc 14 địa bàn dân cư và 38 tổ dân phố của phường đã sử dung dịch vụ. Sau khi thí điểm, tôi nghĩ mô hình này cần được nhân rộng”, ông Vũ Hồng Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết.


Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những tiện ích, thiết bị thông minh cũng gây “khó” cho người dân đã lớn tuổi như việc sử dụng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước… Đồng thời, nhân dân đều băn khoăn về kinh phí lắp đặt. “Trong giai đoạn thí điểm, danh sách các hộ được lắp các thiếp bị sẽ do phường khảo sát trên cơ sở người dân tự nguyện đăng ký. Trước mắt, các doanh nghiệp lắp miễn phí các thiết bị cho các hộ dân. Sau giai đoạn thí điểm, nếu xã hội hóa cung cấp thiết bị cho dân được thì tốt. Bởi nếu đắt tiền, không phải hộ gia đình nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua”, bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết.

Lê Phú – XC/Báo Tin tức
Sẽ mở rộng sử dụng thiết bị thông minh thay thế loa phường
Sẽ mở rộng sử dụng thiết bị thông minh thay thế loa phường

Trong quá trình triển khai thí điểm thiết bị thông minh, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Hà Nội cần theo dõi, ghi nhận ý kiến phản hồi của người dân để báo cáo về kết quả thí điểm và đề xuất phương án triển khai nhân rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN