Người dân mong mỏi sớm giải quyết dứt điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh

Sau loạt bài “Lời giải nào cho tái định cư thủy điện” của phóng viên TTXVN, sự vào cuộc quyết liệt, nhiều lần kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chú thích ảnh
Một phần lòng hồ Thủy điện Đăk Đrinh, nơi đã chôn vùi nhà cửa và đất đai của gần 200 hộ dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, đã qua 10 năm nhưng chủ đầu tư vẫn còn nợ người dân số tiền trên 30 tỷ đồng (ảnh tư liệu).

Một lần nữa, những người dân thuộc diện tái định cư tại đây lại lên tiếng, mong muốn được giải quyết dứt điểm để họ sớm thoát khỏi cảnh chờ đợi trong suốt 10 năm qua.

Người dân mong mỏi

Mới đây, tại buổi tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, cử tri A Cu (trú thôn tái định cư Xô Luông, xã Đăk Nên) thay mặt gần 200 hộ dân thuộc diện tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh đã đề nghị sớm giải quyết dứt điểm tiền đền bù cho nhân dân trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện.

“Hiện nay thủy điện đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm, nhưng vẫn chưa chi trả tiền cho người dân bị ảnh hưởng đất. Vấn đề này chúng tôi đã ý kiến rất nhiều lần vẫn chưa được giải quyết”, cử tri A Cu bức xúc nói.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum khẳng định đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm xem xét cho ý kiến về khoản chi phí tăng thêm 33,286 tỷ đồng của dự án để địa phương hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh đã có báo cáo số 545/BC-DHC ngày 17/7/2023 kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, tham mưu Chính phủ sớm có văn bản chính thức về khoản chi phí tăng thêm này để Công ty có cơ sở thực hiện cấp kinh phí cho địa phương chi trả người dân.

“Vì vậy, sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai theo quy định và thông tin đến cử tri xã Đăk Nên, huyện Kon Plông biết”, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nêu rõ.

Dự án Thủy điện Đăk Đrinh do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng năm 2007, đưa vào vận hành thương mại năm 2014, doanh thu đạt từ 500 - 540 tỷ đồng/năm. Để có đất xây dựng dự án, 192 hộ với gần 850 nhân khẩu phải tái định cư đến nơi ở mới; kinh phí của Dự án thành phần di dân, tái định cư - tái định canh (thuộc Dự án Thủy điện Đăk Đrinh) là 298,5 tỷ đồng.

Trong số 270,7 tỷ đồng đã giải ngân, mới chỉ có 250,5 tỷ đồng được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông phê duyệt quyết toán. Trong số tiền được phê duyệt có 33,286 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm, chủ đầu tư đang chờ xin ý kiến của cấp có thẩm quyền đối với chi phí này, sau đó mới có thể giải ngân 27,8 tỷ đồng còn lại.

Số tiền bồi thường, hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng để phục vụ việc bồi thường đất trong phạm vi lòng hồ; hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm; hỗ trợ khai hoang đất lúa nước; hỗ trợ khai hoang đất nương rẫy. Tuy nhiên, khi xác lập tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án Thủy điện Đăk Đrinh, Bộ Công Thương cho rằng, khoản chi này cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào tổng mức đầu tư, chủ đầu tư mới tiến hành các bước tiếp theo; trong đó, có việc giải ngân 27,8 tỷ đồng còn lại.

Tiếp tục chờ đợi…

Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum về việc trả lời kiến nghị của cử tri. Bộ Công Thương nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao xử lý chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh, Bộ đã tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, ý kiến giải trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 162/BC-BCT ngày 12/12/2019 trình Thủ tướng Chính phủ với ý kiến các chi phí bồi thường hỗ trợ tăng thêm của dự án vượt quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác bồi thường, di dân, tái định cư. Việc chấp thuận giải ngân chi phí tăng thêm này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cũng đã nêu rõ việc sớm giải quyết nội dung này là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Công Thương đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh sử dụng nguồn vốn dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 của dự án đã được phê duyệt để giải ngân các chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm của dự án; chi phí này được hạch toán vào dự án.

Ngày 15/6/2022, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 3721/VPCP-QHQT giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương xử lý các vướng mắc liên quan đến khoản bồi thường tái định cư của Dự án Thủy điện Đăk Đrinh theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm hai khoản đền bù; trong đó có khoản bồi thường hỗ trợ tăng thêm trị giá 33,286 tỷ đồng cho các hộ dân ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương rà soát để giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan. Bộ đang tổng hợp các ý kiến để báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Khi số tiền hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng chưa được giải quyết dứt điểm, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh cũng không thể giải ngân 27,8 tỷ đồng còn lại, dù Công ty khẳng định số tiền này đã có sẵn trong tài khoản từ lâu.

Trong khi chờ cơ quan chức năng có liên quan tìm phương án giải quyết dứt điểm vấn đề, 192 hộ dân với gần 850 nhân khẩu đang sinh sống tại những khu tái định cư rất mong chờ số tiền 27,8 tỷ đồng được giải ngân để họ có nguồn tài chính phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi cảnh đói nghèo sau khi nhường đất cho thủy điện.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Sớm giải quyết triệt để những 'nút thắt' trong tái định cư thủy điện
Sớm giải quyết triệt để những 'nút thắt' trong tái định cư thủy điện

Sau loạt 3 bài “Lời giải nào cho tái định cư thủy điện” của TTXVN hồi tháng 3/2023, vấn đề tái định cư thủy điện vẫn chưa được tỉnh Kon Tum và các chủ đầu tư dự án thủy điện giải quyết triệt để. Đến nay, những vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ, người dân sinh sống tại những khu tái định cư này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN