Kon Tum cần hơn 220 tỷ đồng ổn định đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện

Ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, để lập dự án ổn định đời sống sản xuất của người dân sau tái định cư các dự án thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Kon, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tổng hợp, trình Chính phủ bố trí 222,5 tỷ đồng cho tỉnh.

Chú thích ảnh
Công trường mở rộng Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Cụ thể, tổng nhu cầu kinh phí trên để phục vụ cho việc ổn định đời sống của người dân các khu tái định cư thuộc các dự án thủy điện như Yaly, Plei Krông, Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh. Trong số đó, kinh phí lập các dự án là 5,4 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa, nâng cấp công trình hạ tầng, hỗ trợ cây con giống, bảo vệ phát triển rừng là 217,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, nhu cầu kinh phí trên để tỉnh thực hiện hỗ trợ sau tái định cư, tức sau khi các chủ đầu tư đã hoàn thành thực hiện trách nhiệm trong đền bù. Tổng nhu cầu kinh phí này dựa theo Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện và Quyết định 06/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 64/2014/QĐ-TTg.
 
Sau đó, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản 1584/UBND-NNTN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhu cầu kinh phí trên.

“Tổng nhu cầu kinh phí trên nhằm phục vụ cho di dân, tái định cư trong giai đoạn 2021 – 2025, phân kỳ đầu tư mỗi năm trong giai đoạn là 44,5 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, tỉnh Kon Tum vẫn chưa được phê duyệt số kinh phí trên, dẫn đến một số khó khăn trong ổn định đời sống của bà con tại các vùng tái định cư của một số thủy điện lớn”, ông Nguyễn Văn Năm thông tin thêm.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan quan tâm  quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ tái định cư như các công trình công cộng, các công trình phục vụ sản xuất. Đối với các chủ đầu tư dự án, ông Năm đề nghị cần trích một phần doanh thu từ sản lượng điện tạo ra của dự án để lập quỹ hỗ trợ sản xuất cho người dân bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện.

Theo thống kê, hiện tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Theo đó, có 5 dự án thủy điện gây ảnh hưởng, phải thực hiện di dân, tái định cư là các thủy điện Yaly, Plei Krông, Đăk Đrinh, Thượng Kon Tum và Đăk Mi 1.
 
Hiện tái định cư đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở để chuyển toàn bộ 3.060 hộ dân thuộc diện tái định cư về nơi ở mới; giao hơn 3.300 ha đất cho gần 3.000 hộ; thu nhập bình quân đầu người tại các khu tái định cư đạt 25 triệu đồng/người/năm; còn 162 hộ tái định cư thuộc diện nghèo.

Dư Toán (TTXVN)
Kiến nghị sớm nâng cấp đường giao thông vùng tái định cư thủy điện Sơn La
Kiến nghị sớm nâng cấp đường giao thông vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Sau nhiều năm di dân, nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân tái định cư ở huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã dần ổn định.Tuy nhiên, đến nay, đường giao thông nội bản ở các điểm tái định cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN