Đây là lần đầu tiên, thành phố Đà Nẵng thực hiện việc phong tỏa “cứng”. Đa số người dân đều đồng tình với quyết định của chính quyền, yên tâm ở nhà trong 7 ngày với mong muốn sớm khống chế dứt điểm đợt dịch này.
Ở nhà là góp sức chống dịch
Từ 7 giờ sáng, khi vừa hết ca trực bảo vệ đêm tại cơ quan, anh Trần Hậu (Tổ 26, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) vội vã trở về nhà để kịp “thay ca” cho vợ trước 8 giờ. Suốt 7 ngày phong tỏa này, vợ phải lên công ty làm việc “3 tại chỗ”, anh Hậu ở lại chăm sóc cô con gái nhỏ và trông nom nhà cửa. Theo anh Hậu, lãnh đạo thành phố quyết định nghiêm cấm người dân ra đường trong 7 ngày là một biện pháp cứng rắn để ngăn chặn dịch bệnh, sớm đem lại bình yên cho nhân dân.
“Trước ngày phong tỏa, tổ dân phố đã nhắn tin hướng dẫn, phổ biến cho người dân trong tổ. Tất cả mọi việc từ mua sắm thịt cá, rau củ, đến gas, thuốc... sẽ có chính quyền phường, khu dân cư chăm lo cho người dân. Nhà tôi cũng đã mua được một số lương thực, thực phẩm dự trữ nên tôi thấy hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào chủ trương của thành phố” – anh Trần Hậu chia sẻ.
Trước khi thành phố Đà Nẵng chính thức áp dụng lệnh phong tỏa 7 ngày, quận Sơn Trà đã có 5 phường bị cách ly y tế nghiêm ngặt do liên quan đến chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại cảng cá Thọ Quang. Ở trong khu vực cách ly y tế từ ngày 3/8 đến nay, gia đình anh Nguyễn Trung Trực (Tổ 49, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) lại tiếp tục cùng cả thành phố tuân thủ đợt phong tỏa 7 ngày.
Anh Nguyễn Trung Trực cho biết: “Qua gần nửa tháng cách ly rồi đến phong tỏa, gia đình tôi vẫn được cung cấp nhu yếu phẩm đầy đủ, được nhận hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày và được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên nên cảm thấy rất yên tâm. Ngoài việc mua hộ thực phẩm thiết yếu thì cứ khi nào có nhà hảo tâm ủng hộ, các bác trong tổ dân phố lại chia đều cho các hộ dân, đảm bảo sự công bằng. Giai đoạn này, người dân cần ở yên trong nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và giúp các cấp chính quyền có đủ thời gian để dập dịch.”
Các tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư nỗ lực vì cộng đồng
Để chuẩn bị cho 7 ngày phong tỏa “cứng” toàn thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản số 5260/UBND-KGVX hướng dẫn các khu dân cư, tổ dân phố thành lập các ban điều hành chăm lo cho đời sống nhân dân. Theo đó, Ban điều hành khu dân cư sẽ do Bí thư chi bộ khu dân cư lãnh đạo, với các thành viên gồm: cấp ủy chi bộ, tổ dân phố/ban nhân dân thôn, Mặt trận, các hội đoàn thể, dân phòng, ban bảo vệ dân phố, dân quân, cán bộ hưu trí, người tình nguyện... Ban điều hành tại các khu dân cư sẽ tham gia nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông…, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Ông Lê Lụa, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 90 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), cho biết, một ban điều hành gồm 5 người đã được thành lập để phụ trách việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ban cũng đã vận động được 1 ô tô tải của người dân nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm từ phường về chia cho các hộ dân trong tổ. Tổ trưởng tổ dân phố đã công khai số điện thoại, lập nhóm chat với đầy đủ đại diện các hộ dân để kịp thời thông tin tình hình và nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con. Hiện nay, UBND phường Hòa Xuân đã liên hệ với các đơn vị cung ứng hàng hóa cho từng tổ, các hộ dân có thể thông qua ban điều hành để đặt mua lương thực, thực phẩm nếu thật sự cần thiết, với tần suất 3 ngày/lần.
Bà Trần Thị Nhung đã có 13 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 43 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Du đã nhiều kinh nghiệm "vác tù và hàng tổng" nhưng bà cũng phải cố gắng rất nhiều để chăm sóc cho người dân trong thời gian này. Phường An Hải Bắc bị cách ly y tế nghiêm ngặt từ đầu tháng 8, bà cùng các thành viên trong Ban điều hành ngày nào cũng tất bật lo cung ứng nhu yếu phẩm, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay Ban điều hành của Tổ dân phố 43 có 6 người, được phân công phụ trách theo từng khu phố. Họ đều là những người nhiệt tình, gương mẫu, có trách nhiệm với cộng đồng.
“Những ngày đầu, đơn vị cung ứng không cung cấp được nhu yếu phẩm, chúng tôi đã báo lên cấp phường, quận và chủ động liên hệ với đơn vị khác để đáp ứng kịp thời cho bà con. Đến giờ, mọi việc đã ổn và guồng quay đã hoạt động trơn tru, bà con trong tổ rất mừng và yên tâm tiếp tục ở nhà trong 7 ngày phong tỏa sắp tới.” – Bà Trần Thị Nhung chia sẻ.
Không phải là tổ trưởng hay bí thư chi bộ ở khu dân cư nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hà (Tổ 80, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) vẫn xung phong tham gia ban điều hành của tổ dân phố. Chiều nào chị Hà cũng cặm cụi ghi chép lại nhu cầu mua sắm của từng nhà, tổng hợp lại để chuyển đi đặt mua. Rồi đến ngày hôm sau lại nhận hàng, kiểm hàng và chuyển đến từng hộ có nhu cầu.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Hàng hóa mỗi loại một giá nên khi đặt mua thì mình cứ ứng tiền trước cho nhanh, đến hôm sau giao hàng thì lấy lại tiền theo đơn. Mọi người cũng hiểu và tin tưởng nhau, tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít vào những lúc khó khăn như thế này. Khu vực nhà chị có 6 ca mắc COVID-19, cũng nhiều lo lắng nên chị luôn tuân thủ Thông điệp 5K khi thực hiện nhiệm vụ. Bản thân từng là người lính biên phòng, chị tự thấy cần có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Có thể nói, qua nhiều đợt dịch COVID-19 “tấn công” thành phố Đà Nẵng trong 2 năm qua, “vũ khí” quan trọng nhất để đẩy lùi dịch bệnh chính là sức mạnh lòng dân. Dù hiện giờ dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng sự đồng thuận của nhân dân và sự quyết liệt của chính quyền đang đem lại niềm hy vọng về một Đà Nẵng bình yên trở lại sau 7 ngày phong tỏa.