"Muốn không tức, hãy đọc Tin tức"
Gặp chúng tôi trong một ngày đầu tháng 4, nhà văn trẻ Đặng Thiên Phong, kiêm dẫn chương trình tự do, giảng viên tại một trường Đại học, đã có những chia sẻ thú vị về báo Tin tức. Nhà văn Đặng Thiên Phong cho biết: “Gần đây, tôi cảm thấy mình đang mất dần lòng tin, có khi là bực tức khi đọc những thông tin không chính thống tràn lan trên các trang mạng xã hội. Mặc dù tôi không còn xa lạ gì với chuyện chọn lọc tin tức nhưng quả thực với vai trò là độc giả, chúng tôi khó mà thoát khỏi cám dỗ khi tiêu đề bài đăng hay hình ảnh ấn tượng cứ liên tục xuất hiện trên “tường nhà”. Lượng thông tin xuất hiện thường xuyên nên khiến người đọc như bị dắt mũi, tuy nhiên các thông tin vô bổ này chỉ dẫn người xem đến một vòng xoay rồi "buông tay" khiến không ít lần tôi hoang mang, lạc lối giữa các thông tin trên. Dần dần, tôi sợ mình tiếp nhận thông tin lệch lạc và không dám nghĩ đến chuyện đọc báo trên các mạng nữa”.
Tuy nhiên, theo nhà văn Đặng Thiên Phong, từ khi hữu duyên gặp báo Tin tức, anh đã dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu và nhận được nhiều thông tin thú vị trên báo. “Tôi thấy báo Tin tức có khá nhiều thông tin và đã có bề dầy 40 năm, đây là quãng thời gian không ngắn để giúp báo khẳng định vị thế của mình trong lòng độc giả. Cho đến nay, báo Tin tức đã có sự phát triển khá phong phú, ngoài báo giấy báo đã phát triển mạnh ở thể loại báo điện tử để phù hợp hơn với thời cuộc. Ngoài ra, với góc nhìn của người làm công tác đào tạo, tôi cũng đã tự tin hơn trong việc chọn lựa kênh Tin tức chính thống và chia sẻ với bạn bè, học trò mình. Đối với mảng văn hóa văn nghệ, tôi lại ấn tượng bởi các đề mục về sáng tạo, văn chương. Bởi ngoài tính cập nhật, người viết như chúng tôi thực sự cần trang thông tin có mức độ tin tưởng cao để gửi gắm những đứa con tinh thần mỗi lần ra mắt hoặc giới thiệu đến với công chúng nhiều giá trị nội dung qua các tác phẩm”, nhà văn Thiên Phong tâm sự.
Theo nhà văn Thiên Phong, dù biết độc giả có nhiều sự lựa chọn khác nhau khi tìm các tờ báo uy tín để đọc và anh cũng tin mỗi người sẽ thích một phong cách thể hiện khác nhau của từng trang báo. Tuy nhiên, đối với nhà văn, anh cảm thấy may mắn khi đã chọn được cho riêng mình tờ báo Tin tức để đồng hành trên mặt trận thông tin phong phú, tránh các thông tin vô bổ, xấu độc tran làn trên các trang mạng xã hội.
'Ở đâu có tin tức, ở đó có Báo Tin tức'
Theo bà Đinh Thị Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh, bà quan tâm đến báo Tin tức từ khi còn làm trong ngành xuất bản. Báo Tin tức là một trong số không nhiều những tờ báo rất chăm chút đưa tin giới thiệu tác giả, tác phẩm trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Báo Tin tức đã góp phần cổ vũ phong trào đọc sách ở Việt Nam trong mọi ngành, mọi giới, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang phụ trách công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bà lại quan tâm hơn đến Tin tức vì trên Báo Tin tức có tất cả những thông tin mà bà cần tham khảo, nắm bắt cho công tác của mình vì “ở đâu có tin tức, ở đó có báo Tin tức”.
“Trong các mục thông tin của báo Tin tức, tôi thích nhất chuyên mục “Góc nhìn”. Bởi ở mục này, những vấn đề thời sự nóng bỏng trong và ngoài nước được bàn luận đa chiều, thẳng thắn từ góc nhìn của phóng viên, biên tập viên và các chuyên gia. Sắp tới, báo Tin tức cần mở rộng và nâng tầm chuyên mục này với sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia tầm cỡ trong và ngoài nước. Đặc biệt, nên khai thác ý kiến của đội ngũ trí thức, doanh nhân… là người Việt Nam ở nước ngoài ở các nước tiên tiến, những người có tầm nhìn sâu - rộng - xa hơn khi được tiếp thu những tinh hoa của thế giới, chắc lọc những cái hay - tốt - đẹp, áp dụng cho thực tiễn nước ta”, bà Đinh Thị Phương Thảo cho biết thêm.
Ngoài ra, bà Đinh Thị Phương Thảo cũng thích chọn thêm các nội dung Infographics và Megastory ở trên báo Tin tức. Bởi khi đọc các nội dung này, bà biết báo đã dày công thực hiện bài viết, đây cũng là cách làm báo hiện đại, dễ tiếp cận với đối tượng độc giả hiện nay, trẻ trung hơn và hướng đến không chỉ trong nước mà là độc giả người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, sắp tới nếu báo Tin Tức có thêm các thứ tiếng khác như: Anh, Pháp, Trung, Đức, Hàn Quốc… cho các chuyên mục này thì hiệu ứng lan toả còn “khủng” hơn rất nhiều. Lực lượng độc giả hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài rất thích đọc thông tin trong nước và họ cũng là những sứ giả truyền tải thông tin từ trong nước ra nước ngoài.
“Hiện nay, công tác thông tin đối ngoại khá quan trọng, vì vậy hy vọng thời gian tới báo Tin tức cần được triển khai theo hướng đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về các thông tin đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hình thức truyền thông mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, hướng đến đối tượng là thế hệ trẻ kiều bào, cũng như thúc đẩy xây dựng cơ chế tiếp thu ý kiến phản hồi và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài. Điều đó sẽ góp phần tăng cường công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước”, bà Đinh Thị Phương Thảo nói.
Truyền tải thông tin chính thống
Là đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho biết: "Việc chọn tên “báo Tin tức” cho tờ báo, bạn đọc – trong đó có tôi – hiểu rằng TTXVN muốn truyền tải thật nhiều tin tức vừa mang tính tổng hợp, vừa hàm chứa chi tiết, vừa trên phạm vi cả nước, vừa có thông tin địa bàn. Ngoài ra, với tôi đây còn là một cái tên khá hay và dễ nhờ cho độc giả cả nước".
"Với chiều dài 40 năm, báo Tin tức và các ấn phẩm của TTXVN đã mang đến cho thị trường nhiều sản phẩm báo chí phong phú, sôi động; cung cấp trực tiếp đến người đọc những điểm sáng tích cực và phân tích những tiêu cực trong xã hội. Trong đó, báo Tin tức đã tổ chức chuyên mục “Sáng tác” trên chuyên trang “Văn hóa” để góp phần tuyên truyền, quảng bá Văn hóa đọc theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản. Những cuốn sách được chọn giới thiệu trên báo Tin tức thật sự có chất lượng và là niềm tự hào của các nhà xuất bản, các công ty sách. Về lâu dài, để tờ báo Tin tức phát triển phong phú hơn, tôi đề xuất ở chuyên trang Văn hóa, chuyên mục Sáng tác, Tòa soạn cân nhắc tổ chức trên điện tử mục trích đăng 1 - 3 kỳ khi có tựa sách thu hút sự quan tâm của công luận và bạn đọc. Đó cũng là một trong những cách tăng cường quảng bá và làm mới ấn phẩm của báo Tin tức sau chặng đường 40 năm hình thành và phát triển", bà Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, trong thời gian qua báo Tin tức đã đồng hành khá tốt với ngành xuất bản để phát huy hiệu quả vai trò là một cơ quan tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều chuyên mục của báo đã cung cấp các thông tín chính thống, vừa làm nhiệm vụ chính trị, hoạt động trong cơ chế thị trường và có đóng góp rất nhiều cho công tác văn hóa - tư tưởng, tạo ra những ấn phẩm bổ ích cho xã hội. Đây cũng là kênh thông tin có vai trò quan trọng trong việc tạo “sức đề kháng” cho người dân trước những tác động tiêu cực, nhiễu loạn của thông tin trên mạng internet hiện nay...