Có lẽ chưa từng có một ngân hàng đặc biệt đến vậy. Người dân có thể vay vốn, ngoài việc trả vốn như bất kỳ khoản vay nào, họ sẽ được trả lãi bằng ghẹ trứng cho ngân hàng. Đó là Ngân hàng ghẹ xanh ở Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Phục hồi nguồn lợi
Kiên Giang được biết đến với đặc sản ghẹ xanh nổi tiếng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 tàu khai thác ghẹ xanh. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ mạnh ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Nghề khai thác ghẹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế và thu nhập của người dân. Trong đó, vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là khu vực sinh sản và ngư trường khai thác ghẹ xanh.
Tàu thuyền cập cảng An Thới, Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN
|
Bất kỳ ai đến với Ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) sẽ không khỏi bất ngờ với sự đa dạng sinh học với hệ sinh thái cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động vật quý hiếm ở đây, đặc biệt là loài ghẹ xanh. Ấp Bãi Bổn với dân số khoảng 1.600 người, trong đó trên 70% dân số sinh sống bằng nghề khai thác thủy hải sản và trên 60% trên tổng số ngư dân khai thác ghẹ làm nghề chính của gia đình.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Kiên Giang) cho biết, nhu cầu về ghẹ ngày càng cao, cả ở thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, đặc biệt là nhu cầu của du khách đến Phú Quốc càng tăng nhưng nguồn ghẹ và hải sản của địa phương bị suy giảm nhiều cả về sản lượng và kích thước khai thác ngày càng nhỏ.
“Xuất phát từ thực tế nguồn lợi ngày càng suy giảm và ý tưởng lập Ngân hàng ghẹ là từ một ngư dân ở đây đánh bắt được một “bè ghẹ” có thể nuôi giữ trong môi trường biển cho đến khi chúng đẻ hết trứng ra môi trường rồi mới đem bán ghẹ thịt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng WWF Việt Nam (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) đã đề xuất xây dựng Ngân hàng ghẹ nhằm nâng cao nhận thức của người dân và đóng góp của họ trong việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi ghẹ, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho ngư dân địa phương”, bà Phượng cho biết.
Hỗ trợ ngư dân sản xuất
Chưa từng có ngân hàng nào lại có phương thức hoạt động lạ như Ngân hàng ghẹ xanh. Người dân sẽ được cho vay một khoản tiền nhỏ để phát triển sản xuất và khoản vay đó sẽ được trả lãi bằng... ghẹ trứng. Mỗi hộ sẽ được vay 3 triệu đồng/năm, lãi suất mỗi tháng sẽ được trả bằng 5 con ghẹ mang trứng, không phân biệt kích thước, trọng lượng.
“Ghẹ trứng chúng tôi sẽ tìm được trong quá trình khai thác nên việc trả lãi bằng hình thức này giúp chúng tôi rất yên tâm. Hơn nữa, hình thức trả lãi rất “xông xênh”, lãi vay là ghẹ mang trứng không bắt buộc phải trả vào một ngày hay tháng nhất định mà tùy thuộc vào ngày khai thác có ghẹ trứng hay không, do đó lãi có thể trả hàng tháng hoặc trả một lần cho 2 tháng. Sau kỳ hạn 12 tháng mới phải hoàn trả vốn gốc một lần”, một ngư dân ở đây cho biết.
Theo đại diện quản lý Ngân hàng ghẹ, sau khi Ngân hàng nhận trả lãi ghẹ trứng của ngư dân, ghẹ sẽ được đem nuôi trong bè cho đến khi trứng ghẹ nở, tách khỏi yếm của ghẹ. Ghẹ sau khi hết trứng sẽ được đem đi bán.
“Số tiền bán ghẹ được sử dụng để chi cho các chi phí để nuôi ghẹ, số còn lại sẽ được nhập vào quỹ để cộng vào số tiền gốc. Tuy nhiên, hiện nay số tiền bán ghẹ đã đẻ chỉ đủ chi phí vận hành Ngân hàng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện, vì mục đích lớn nhất là giúp ngư dân hiểu, cùng góp sức bảo đảm sinh kế bền vững”, đại diện này cho biết.
Mặc dù mới đi vào hoạt động được 3 năm nay, nhưng Ngân hàng ghẹ đã thể hiện rõ lợi ích cần thiết, giúp cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ phát triển nguồn lợi đạt hiệu quả tốt, không chỉ tại địa phương mà cả các vùng lân cận. Theo kết quả ban đầu của Ngân hàng ghẹ, các ngư dân có thu nhập khá, trả lãi đúng kỳ hạn, mỗi năm có trên 600 con ghẹ mang trứng được thả vào bè.
“Mô hình Ngân hàng ghẹ xanh thực sự có hiệu quả và cần được nhân rộng. Ngân hàng ghẹ xanh góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng vì cùng mục tiêu phục hồi nguồn lợi, sản xuất thân thiện môi trường để ổn định thu nhập. Chương trình cải tiến nghề khai thác ghẹ xanh sẽ được tỉnh Kiên Giang thực hiện đến năm 2016, nhằm khai thác bền vững nguồn lợi và tiến tới xin cấp chứng nhận thương hiệu cho đặc sản này đạt yêu cầu các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu...”, bà Nguyễn Ngọc Phượng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Kiên Giang) khẳng định.
Thu Trang