Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tất cả các hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra đối với phụ nữ khuyết tật đều cao hơn so với phụ nữ không khuyết tật. Hơn 33% phụ nữ khuyết tật từng bị chồng hoặc bạn tình bạo lực về thể xác. Do đó, ngôi nhà Bình Minh sẽ giúp họ xua đi nỗi buồn, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và hy vọng về tương lai tươi sáng.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh mong rằng, mô hình sẽ giúp sự hợp tác giữa các bên liên quan cũng như địa phương được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực, có ích cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngôi nhà Bình Minh là mô hình thí điểm hỗ trợ tiếp cận, đồng thời là địa chỉ tạm lánh tin cậy, an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là nạn nhân của bạo lực giới.
Mô hình bao gồm phòng tư vấn và phòng tạm lánh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại đây được điều chỉnh để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận. Cụ thể, lối đi được bố trí riêng, bằng phẳng, có ram dốc, tay vịn cho người khuyết tật thuận tiện di chuyển.
Phòng tư vấn trang bị đầy đủ nhu cầu tư vấn an toàn và riêng tư. Tại phòng tạm lánh, các thiết bị như tivi, tủ quần áo, tủ sách, bàn ghế, quạt... hay hệ thống vệ sinh khép kín, khu vực bếp được lắp đặt, thiết kế có chiều cao phù hợp, thân thiện với người khuyết tật.
Việc đưa vào sử dụng ngôi nhà Bình Minh sẽ góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được các mục tiêu của Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là minh chứng cho việc thực thi Điều 6 Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.