Nghĩa cử cao đẹp nơi “Kinh đô Công giáo”

Nhiều năm qua, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã trở thành điểm sáng trên cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc với số lượng hàng nghìn người đăng ký, trong đó phần lớn là người Công giáo. Từ những tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của giáo dân nơi “Kinh đô Công giáo” đã góp phần đem lại ánh sáng, thay đổi cuộc đời cho hàng trăm người.

Đem lại ánh sáng cho người mù 

Xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, là một trong những nơi có phong trào hiến giác mạc sôi nổi nhất của huyện. Tiếp đón chúng tôi là nguyên Chánh trương giáo xứ Văn Hải Trần Đức Hiệp đã gắn bó với phong trào hiến giác mạc tại địa phương từ những ngày đầu. Năm nay ông Hiệp đã 76 tuổi, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn miệt mài làm công tác vận động, tuyên truyền giáo dân tham gia hiến tặng giác mạc với tâm niệm “người cho đi mà không cần nhận lại là người giàu có nhất thế gian, sống tốt đời đẹp đạo để lại đức cho con cháu”. 

Vui mừng khoe với chúng tôi “bảng thành tích” mà ông Hiệp ghi chép cẩn thận và chi tiết về những trường hợp hiến giác mạc trong cuốn sổ ô ly đã úa vàng, “Giáo xứ Văn Hải tự hào vì đến giờ đã có 36 giáo dân hiến giác mạc, cứu giúp những người mù nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, điều đó đồng nghĩa với việc đem lại ánh sáng cho 36 người khiếm thị”.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải trao tặng quà nhân dịp Giáng sinh cho gia đình đã có người tham gia hiến giác mạc thành công. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ông Hiệp chia sẻ: "Những ngày đầu tuyên truyền vận động bà con hiến giác mạc rất khó khăn. Việc hiến tặng giác mạc phải dựa trên sự tự nguyện không chỉ của bản thân người hiến mà còn của gia đình, người thân. Vì vậy, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động bằng cách “mưa dầm thấm lâu” không chỉ vận động thông qua phát thanh địa phương mà còn đến từng nhà người dân để nói chuyện giúp mọi người hiểu được hiến giác mạc có ý nghĩa to lớn, có thể thay đổi được cuộc đời của người mù lòa. Bên cạnh đó, tôi cũng phải nhờ đến cha xứ trong mỗi bài giảng ở nhà thờ vận dụng Kinh Thánh để giải thích về tình yêu thương, lòng bác ái để tác động đến nhận thức của giáo dân." Việc tuyên truyền của Ban Chấp hành giáo xứ Văn Hải về hiến giác mạc làm cho giáo dân hiểu rõ hiến giác mạc là vì nghĩa cử cao đẹp của lòng nhân ái, yêu thương. Nhờ đó, số lượng giáo dân hiến giác mạc cứ thế tăng dần. 

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải Đoàn Ngọc Minh, địa phương có 6 giáo họ với hơn 6.000 giáo dân. Từ nhiều năm nay, Văn Hải là một trong những địa phương có phong trào hiến tặng giác mạc nhiều nhất toàn quốc. Đến nay số người đăng ký hiến tặng giác mạc năm sau đều cao hơn năm trước nên ngày càng nhiều người mù có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Năm 2009, giáo xứ Văn Hải có 6 giáo dân hiến giác mạc, đến nay đã có 793 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Trong số đó, nhiều người là anh em, bố con trong gia đình; thậm chí cả nhà cùng đăng ký hiến tặng. Đặc biệt, ông Đào Văn Tới, 66 tuổi đã đăng ký hiến tặng thân xác khi qua đời cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng. 

Giáo dân Đỗ Thị Mơ, xóm Tây Cường, xã Văn Hải, cho biết gia đình bà có 3 người đã hiến giác mạc là mẹ, chồng và anh trai. Noi gương những nghĩa cử cao đẹp của người đã khuất, bà Mơ cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. "Giác mạc là món quà chúng tôi có thể gửi tặng lại cho cuộc đời. Món quà đó sẽ đem lại cơ hội nhìn thấy cảnh vật thế gian cho những người mù. Đây là tâm nguyện của cả gia đình", bà Mơ bộc bạch. 

Nhân lên phong trào hiến tặng "kho báu" 

Món quà mà những người dân nơi “Kinh đô Công giáo” hiến tặng chính là “kho báu”. Thứ ánh sáng họ tặng cho người mù là một kho báu, nhưng kho báu lớn hơn là ánh sáng từ tâm hồn của những người sống không phải cho riêng mình. 

Ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn cho biết, kể từ năm 2007, giáo dân Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi (Kim Sơn, Ninh Bình) là người đầu tiên hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đã “nhóm lửa” cho phong trào hiến tặng giác mạc trong toàn huyện, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng bằng hành động cụ thể. 

Nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Mắt Việt Nam liên tục tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động truyền thông hiến giác mạc từ năm 2007 đến nay với trên 600 người tham gia. Trong số những tình nguyện viên có rất nhiều người Công giáo nhiệt tình tham gia như: Linh mục Đoàn Minh Hải, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Hồng Phúc, Trần Ngọc Bách... 

Tại những khu vực mình phụ tách, tình nguyện viên cũng nắm chắc những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền với từng đối tượng, làm cho nhiều người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến giác mạc, làm cho họ không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình vận động người thân cùng tham gia. Đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng chính việc làm thiết thực là đăng ký hiến tặng giác mạc. Ngoài ra, mỗi năm huyện Kim Sơn chú trọng tặng nhiều phần quà trong dịp lễ, Tết, tổ chức Lễ tri ân đối với những gia đình có người hiến tặng giác mạc và đăng ký hiến tặng khi qua đời nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp. 

Theo Chánh trương Giáo xứ Chính tòa Phát Diệm Mai Văn Quý, hiến tặng giác mạc khi qua đời là việc làm thể hiện tính nhân văn, lòng bác ái của con người. Vì vậy, trong những ngày làm lễ, có sự đông đủ của bà con giáo dân, trong các nhà thờ họ cũng như nhà thờ lớn của huyện, các vị linh mục đã lồng ghép tuyên truyền về hiến tặng giác mạc là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Những buổi tuyên truyền như thế đã giúp cho nhiều người hiểu được việc làm cao cả này và tiếp tục vận động những người trong gia đình, họ hàng, làng xóm cùng tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. 

Nhờ đó, từ năm 2007 đến nay, huyện Kim Sơn đã tuyên truyền vận động được 10.189 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời. Hiện nay, cả nước có trên 45 nghìn người đăng ký và có 330 người hiến tặng, trong đó tỉnh Ninh Bình có 236 người, riêng huyện Kim Sơn đã có 229 người hiến tặng giác mạc thành công, đem lại nguồn sáng vô cùng quý giá cho hàng trăm người mù, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân gia đình và cộng đồng xã hội. 

Để làm tốt công tác tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc hơn nữa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn Mai Văn Trường kiến nghị nên có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng, động viên những gia đình có người hiến tặng giác mạc để khuyến khích nhiều người hiến tặng giác mạc, để niềm vui mãi mãi được nhân lên.

Hải Yến (TTXVN)
Họa sỹ Công giáo vẽ hàng trăm bức tranh về Bác Hồ
Họa sỹ Công giáo vẽ hàng trăm bức tranh về Bác Hồ

Họa sỹ Trần Hòa Bình, ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã dành 45 năm cuộc đời để vẽ tranh về Bác Hồ. Hơn 700 bức tranh về Bác là tâm huyết, sự kính trọng, tình yêu thương của ông đối với vị cha già dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN