Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại-Bài1: Hình ảnh mới cho nghề truyền thống

Sự kết hợp giữa nghề truyền thống với nghệ thuật sắp đặt mang lại hình ảnh mới về sản phẩm làng nghề. Nhiều sản phẩm truyền thống trông bình thường nhưng qua sự sắp đặt của các họa sĩ trẻ, đã trở nên có ý nghĩa. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này sẽ mang lại những hiệu quả nhất định.

 

Bài1: Hình ảnh mới cho nghề truyền thống

 

Trong những ngày cuối tháng 7 này, đến thăm các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội, người xem có dịp chiêm ngưỡng một hình ảnh rất mới về sản phẩm nghề truyền thống, gồm: Nón khu vực làng Chuông, quạt Chàng Sơn, đàn Đào Xá, trống Đọi Tam, qua ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt. Xưa kia, những sản phẩm này được bày bán khá nhiều trong khu vực phường Hàng Gai.

 

Nghệ nhân đang trình diễn kỹ thuật châm kim quạt truyền thống.

 

Nay cả 4 sản phẩm này còn bày bán rất ít trên phố. Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban BQL phố cổ Hà Nội cho biết: “Sự thay đổi về nhu cầu của thời cuộc khiến nhiều con phố tại khu vực phố cổ không còn là phố chuyên doanh sản phẩm mà chúng mang tên nữa. Điển hình như phố Hàng Nón và phố Hàng Quạt, còn tên phố nhưng không còn sản phẩm bán ở đó. Chính vì thế, những đợt triển lãm của BQL phố cổ thường làm là để tái hiện phần nào hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa qua việc trưng bày tài liệu, các dụng cụ gắn với nghề. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên BQL phố cổ giới thiệu nghề truyền thống qua nghệ thuật sắp đặt, nhằm gắn với cuộc sống đương đại”.


Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, tổng đạo diễn chương trình, tâm sự: “Cách đây vài tháng, tôi có dịp đi công tác với cán bộ BQL phố cổ Hà Nội về các làng nghề Hà Nội. Tôi nhận thấy đời sống ở các làng nghề rất nghèo và ảm đạm. Cảm giác như bị co cụm và có phần xa rời trước sự phát triển của xã hội hiện đại đầy sôi động do chưa khai thác đúng thị hiếu. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng thực hiện triển lãm về nghề truyền thống được thể hiện bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt hiện đại nhằm hướng tới các bạn trẻ, du khách quốc tế. Tôi đã mời 4 họa sĩ trẻ tham gia chương trình và để họ xây dựng ý tưởng tại từng điểm riêng biệt. Lúc đầu các họa sĩ băn khoăn bởi cách làm này tương đối mới, trước đó họ nghĩ rằng tác phẩm phải mang dấu ấn cá nhân để hoàn thiện hơn giá trị tác phẩm của mình”.


Chính vì vậy, các họa sĩ trẻ trong êkíp đã về các làng nghề nông thôn thâm nhập vào đời sống thực tế, để cảm nhận được nét chân thực cũng như khó khăn của các làng nghề gặp phải. Sau đó, các họa sĩ trẻ sử dụng kiến thức về nghệ thuật sắp đặt để làm sao tôn lên được hình ảnh truyền thống đang dần bị lãng quên và đưa hình ảnh đến gần công chúng.


Quả vậy, tại không gian 42 Hàng Bạc, du khách như bắt gặp một chợ quê chuyên về nón của làng nghề với quang gánh, áo tơi, đèn dầu và những chiếc nón chạy dãy dài như đang mời gọi, mang đến không gian dung dị. Tất cả những đồ vật thường ngày ở quê khi được tập hợp lại và thể hiện trong một tác phẩm sắp đặt tạo hiệu quả thị giác ấn tượng, tôn vinh chiếc nón làm nên hình ảnh mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Dưới sức ép về thị hiếu hiện đại nhưng người xem vẫn nhận thấy chiếc nón vẫn còn vị trí trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là vùng nông thôn. Chiếc nón được xem là vật dụng che mưa che nắng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng giới thiệu về lịch sử nghề nón và các chất liệu để tạo ra cái nhìn khá toàn diện về nghề làm nón. “Tác giả đã lấy bối cảnh chợ làng Chuông bởi đây là chợ đầu mối nón toàn vùng, tạo nên thương hiệu làng Chuông. Nhưng thực chất việc làm nón gồm cả vùng bao quanh. BQL phố cổ đã quyết định mời gia đình nghệ nhân chuyên làm nón nghệ thuật tại thôn Tri Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) bởi nơi đây có những gia đình làm nón nghệ thuật, cung cấp trang phục làm phim cổ trang”, đại diện BTC cho biết.


Còn tại không gian trưng bày quạt tại 38 Hàng Đào, họa sĩ đã tái hiện về một bà già cặm cụi trong căn phòng tối, thấp, ngồi châm kim tạo hình nghệ thuật lên những chiếc quạt. “Đây là công việc khó, tỷ mỷ và nay chỉ có những nghệ nhân già có kinh nghiệm mới tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết. Đó là ý tưởng chủ đạo của điểm trưng bày về quạt. Tại đây, người xem có thể hiểu tổng thể về quá trình hình thành và phát triển của những chiếc quạt: Từ quạt mo cau, quạt giấy thô sơ, đến những chiếc quạt nan sau này... tất cả được trưng bày sinh động bên cạnh rơm rạ, chõng tre, mang đến hoài niệm về làng quê. Đặc biệt ấn tượng với du khách là việc xếp những chiếc quạt màu đỏ theo hình vòm gợi nhớ về cổng làng kết hợp với việc phơi phóng nguyên liệu làm quạt tạo sự hoài niệm về làng nghề một thời sung túc, ấm no.


Để hiểu về nghề làm quạt, tại không gian này có nghệ nhân trực tiếp thao tác và giao lưu với du khách về cách thức tạo nên một chiếc quạt. Cách làm này giúp công chúng hiểu thêm về sản phẩm truyền thống mà qua đó còn tái hiện một không gian làm nghề thực thụ.


“Còn tại 87 Mã Mây, BTC giới thiệu nghề làm đàn Đào Xá (Ứng Hòa) nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc. Để giới thiệu hiệu ứng của âm nhạc mang lại vẻ thanh bình, các họa sĩ trẻ dùng khuôn hình bằng sắt ôm bể đá màu xanh, tạo nên nhịp điệu mang cảm giác nhẹ nhàng. Còn với trống làng Đọi Tam xây dựng gắn liền với lễ hội, cách trang trí theo nghệ thuật sắp đặt mang lại cảm giác dàn trống gần với nghệ thuật tuồng, vừa mang tinh thần lễ hội và mang tinh thần sân khấu”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết.


Sau một thời gian thâm nhập với làng nghề Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức tâm sự: “Làng nghề vẫn tồn tại như mạch ngầm về bản sắc văn hóa. Nhiều người muốn tìm hình ảnh xưa về nghề truyền thống. Trong cơ chế thị trường, tạo ra sản phẩm truyền thống phải bán được, có thu nhập. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta chưa biết cách tạo cho làng nghề một hình ảnh vừa đẹp vừa bền vững để biến nó thành những sản phẩm trang trí mang tính nghệ thuật cao, gần gũi với đời sống. Bên cạnh đó, để sản phẩm nghề truyền thống tồn tại, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để người dân làng nghề tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm thực sự chất lượng, có giá trị nghệ thuật. Đơn cử như có thể nuôi dưỡng nghệ nhân giỏi để họ chuyên tâm làm những sản phẩm có nguy cơ thất truyền. Với nghề quạt chẳng hạn, tôi nghĩ rằng khi bà cụ ngồi châm quạt mất đi sẽ không còn ai thay thế. Bởi thực tế, đây là công đoạn cần sự tỷ mỷ, sáng tạo nhưng thu nhập rất thấp nên không ai theo nghề”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.


Bài và ảnh: Xuân Cường

 

Bài cuối: Hướng đi mới cho làng nghề

Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại-Bài cuối: Hướng đi mới cho làng nghề
Nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại-Bài cuối: Hướng đi mới cho làng nghề

Trong chương trình nghề truyền thống theo nghệ thuật đương đại, các nghệ nhân được mời tham gia trình diễn cũng phải thừa nhận, cách phối cảnh, trang trí đã làm cho những đồ dùng giản dị trong cuộc sống có sức hút với du khách và điều này mở ra hướng đi mới cho làng nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN