Nghệ An: Vẫn còn 30 xã đang bị cô lập sau lũ

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tài – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, đến chiều ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 30 xã bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần, chia cắt và mất điện hoàn toàn với 22.394 hộ/102.182 khẩu.

Chú thích ảnh
Một điểm ngập khá nặng trong đợt mưa lũ trên địa bàn xã Tương Dương. Tại điểm ngập, sau khi nước rút để lại lớp bùn đất, sinh lầy dày hơn 1m, dài hơn 300m. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Trong đó, tổng số xã bị cô lập hoàn toàn trên địa bàn tỉnh là 6 xã/107 thôn, bản với 9.754 hộ; 24 xã bị cô lập một phần với 118 thôn, bản/12.640 hộ. Tập trung ở các huyện Kỳ Sơn (cũ) như xã Mường Xén, Hữu Kiệm, Na Ngoi, Mỹ Lý, Bắc Lý; huyện Tương Dương (cũ) như xã Nhôn Mai, Tương Dương, Lượng Minh, Yên Hòa, Yên Na, Tam Quang, Nga My; huyện Con Cuông (cũ) như xã Con Cuông, Mậu Thạch, Châu Khê; huyện Anh Sơn (cũ) như xã Anh Sơn, Yên Xuân, Nhân Hoàn, Anh Sơn Đông, Thành Bình Thọ; huyện Tân Kỳ (cũ) như xã Tiên Đồng, Nghĩa Hành, Tân Kỳ, Tân An…

Đến thời điểm này ghi nhận trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 495 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 1.276 nhà bị ngập nước.

Các xã đã di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi trú tránh an toàn.  Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 66 điểm sạt lở taluy; 1.522m chiều dài đường sạt lở, hư hỏng; 49 điểm sạt lở, ách tắc; 56 điểm giao thông bị ngập nước, ách tắc; 3 cầu treo bị cuốn trôi và nhiều thiệt hại về nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục...  

Để đảm bảo công tác ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, qua thực tế kiểm tra tại các địa phương bị thiệt hại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng tổ chức trực ban 24/24h, có phương án khắc phục ở mức cao nhất, trước hết theo phương châm "4 tại chỗ".

Chú thích ảnh
Người dân điều khiển phương tiện ô tô, xe máy di chuyển qua một điểm ngập trên quốc lộ 7 vừa thông tuyến tạm thời vào trưa ngày 24/7. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước; tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở; trong đó, có các địa bàn xã vùng hạ lưu để có phương án kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn, trong trường hợp cần thiết tiến hành cưỡng chế. Huy động lực lượng để hỗ trợ di dời người dân và tài sản khi có yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các xã tập trung huy động hệ thống chính trị của địa phương thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu; sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực nước chảy xiết, khu vực đã sạt lở, kiên quyết không cho người dân và phương tiện đi qua. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp an toàn trong và sau mưa lũ, ngập lụt.

Hiện tỉnh Nghệ An đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân sự để sử dụng máy bay trực thăng tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, nước uống cho người dân ở những vùng chia cắt, cô lập, chưa thể tiếp cận bằng đường bộ.

Bích Huệ (TTXVN)
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính: Không để người dân nào bị đói, khát, cô lập trong lũ lụt
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính: Không để người dân nào bị đói, khát, cô lập trong lũ lụt

Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng Đoàn công tác Trung ương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN