Hiện nhiều khu vực rừng thông trong tỉnh Nghệ An xuất hiện sâu róm gây hại. Tại rừng thông ở huyện Nghi Lộc, có nơi, sâu róm xuất hiện với mật độ lên đến 150 con/cây; còn tại huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, có nơi sâu róm xuất hiện 100 - 200 con/cây... Chỉ riêng huyện Nghi Lộc có trên 420 ha thông bị sâu róm gây hại.
Nguyên nhân của tình trạng sâu róm xuất hiện nhiều là do ảnh hưởng của thời tiết. Mầm bệnh sâu róm trong cây thông tiềm ẩn từ những mùa vụ trước chưa được xử lý triệt để.
Vào mùa này, thời tiết tại Nghệ An nắng nóng, khô hạn, tồn tại nhiều yếu tố thuận lợi để sâu róm xuất hiện, gây hại. Lúc đầu các cây thông chỉ xuất hiện sâu róm với số lượng ít, sau đó lan rộng đến cây khác.
Sâu róm xuất hiện trên cây thông nếu không xử lý kịp thời sẽ làm cây yếu, cháy lá và lụi tàn dần. Thực tế, tại nhiều vùng trồng thông của tỉnh Nghệ An, trước đây sâu róm gây hại đã làm nhiều cây thông chết, nguy cơ lan rộng trên nhiều vùng rừng thông khác, gây thiệt hại lớn cho người trồng thông và các đơn vị lâm nghiệp.
Trước diễn biến sâu róm xuất hiện nhiều, ngành lâm nghiệp, các hộ quản lý rừng thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp trong phòng trừ, tránh lây lan trên diện rộng. Giải pháp kỹ thuật đang được triển khai là dùng đèn bẫy để diệt sâu và phun thuốc trên cây thông để sâu chết, trong đó có thuốc chế phẩm sinh học VBT 16.000 IU/MG.
Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp kỹ thuật thông thường, hiệu quả diệt trừ chưa cao, chỉ mang tính mùa vụ, khó xử lý dứt điểm để cây sạch bệnh, không xuất hiện sâu vào những năm sau.
Ngành lâm nghiệp và các hộ trồng, quản lý rừng thông mong muốn nhà khoa học, quản lý lâm nghiệp đưa ra giải pháp để xử lý triệt để tình trạng cứ đến mùa là sâu lại xuất hiện và gây hại trên rừng thông.