Dù may mắn không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy gây thiệt hại ban đầu ước tính hơn 45 tỷ đồng, nhiều ngư dân đã "trắng tay" sau một đêm.
Để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn trước mắt, huyện Quỳnh Lưu đã thống nhất trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng.
Khoảng 20 giờ ngày 28/7, tàu cá do ông Bùi Xuân Xin (trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm chủ đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn bất ngờ bốc cháy dữ dội.
Ngay lập tức người dân địa phương cùng lực lượng chức năng tại chỗ nỗ lực dập lửa, đưa các tàu cá khác đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do gió to khiến ngọn lửa lan nhanh sang các tàu bên cạnh khiến 5 tàu cá bị thiêu rụi hoàn toàn, nhiều chiếc khác bị hư hại nhẹ.
Anh Nguyễn Huy Dương, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu chủ tàu cá NA 91300-TS cho biết, tàu cá của anh neo đậu tiếp giáp với các tàu cá bị cháy. Vào thời điểm vụ cháy xảy ra, trời gió rất to nên đám cháy lan nhanh.
Để đám cháy không lây lan sang các tàu cá khác, bà con đã chủ động chặt đứt dây neo, đưa tàu rời các vị trị nguy hiểm. Tuy nhiên, tàu của anh vẫn bị lửa lan sang, may mắn lúc đó được nhiều người dân địa phương cùng hỗ trợ dập lửa nên ngọn lửa được khống chế, tàu chỉ hư hại nhẹ.
Ngồi thất thần bên chiếc tàu cá bị cháy còn trơ khung, chị Trần Thị Hồng, trú xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết, gia đình chị gom góp hơn 2 tỉ đồng hùn vốn với anh, em đóng tàu từ năm 2017. Khi nhận được tin, chị vội chạy lên thì thấy tàu cá chìm trong biển lửa, chỉ biết đứng nhìn tài sản bị nhấn chìm. Để có tiền đóng tàu, anh em đều phải đi vay ngân hàng, nhà cửa đã thế chấp ngân hàng để vay vốn, nay tiền vay ngân hàng chưa trả hết thì tàu cháy.
"Giờ gia đình “trắng tay”, không biết rồi đây cuộc sống sẽ thế nào, bởi tàu cá cũng không mua bảo hiểm!”, chị Hồng nghẹn ngào nói.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Hồng là anh Trần Văn Toàn, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Tàu cá có giá trị hơn 9 tỷ đồng của anh cùng với 10 người khác chung vốn đóng từ năm 2016, chỉ sau một đêm đã trở thành đóng phế liệu.
Anh Toàn cho biết, những năm qua tàu anh cũng ra khơi đánh bắt cá thường xuyên, nhưng điều kiện khó khăn, nhiều thời điểm thậm chí còn phải bù lỗ xăng dầu nên đến nay vẫn chưa trả hết tiền vay ngân hàng. Mới chiều hôm trước, anh vừa cho bơm 10.000 lít dầu lên tàu để chuẩn bị ra khơi thì không may gặp hỏa hoạn. Giờ tàu cháy rụi, chẳng còn gì nữa. Mong muốn của anh là Nhà nước, công ty bảo hiểm có chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân.
Mỗi chiếc tàu cá thường có nhiều người góp vốn, chung nhau để tạo phương tiện, công ăn việc làm cho người thân trong nhà. Vì thế, vụ hỏa hoạn kinh hoàng không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các chủ tàu mà còn khiến nhiều người khác trắng tay, mất công ăn việc làm.
Dù không góp vốn đóng tàu, nhưng chị Hồ Thị Thủy, một doanh nghiệp cung cấp đá lạnh, dầu cho các chủ tàu cá ở cảng Lạch Quèn cũng rơi vào tình trạng điêu đứng.
Chị Thủy phân trần, lâu nay chị thường bán nợ dầu, đá lạnh cho các tàu cá ra khơi, khi tàu về bán được hàng sẽ trả dần. Trong số 5 tàu cá bị cháy rụi thì có 2 tàu đang nợ chị hơn 1 tỉ đồng tiền dầu và tiền đá. Nhưng giờ tàu cháy, ngư dân trắng tay rồi, mình cũng không biết phải lấy tiền đâu để tiếp tục kinh doanh nữa.
Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã tập trung công tác chỉ đạo khắc phục vụ cháy. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ. Bước đầu, huyện Quỳnh Lưu thống nhất trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.
Công trình xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá tại cảng cá Lạch Quèn vừa mới được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An bàn giao cho Ban quản lý cảng cá Nghệ An. Dự kiến đến 1/8/2023, công trình sẽ được đưa vào vận hành.