Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7: Từ nhận thức đến hành động

Mặc dù tỷ lệ đuối nước trên phạm vi toàn cầu đang có xu hướng giảm trong hai thập niên qua, song theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tốc độ giảm này vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Chú thích ảnh
Dạy bơi cho trẻ em tại Bể bơi Tỉnh đội Lạng Sơn. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Những bước tiến và thách thức của Việt Nam

Thời gian gần đây, hàng loạt tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngày 22/7, tại Thành phố Huế, một bé 5 tuổi trú ở phường Phú Bài tử vong sau khi trượt chân rơi xuống hố nước trong lúc đi bắt ốc cùng nhóm bạn. Trước đó, ngày 15/7 tại Cà Mau, hai thiếu niên cùng xuống ao tắm, một em bị đuối nước do không biết bơi, em còn lại cố cứu bạn nhưng cả hai đều thiệt mạng.

Đặc biệt nghiêm trọng là vụ lật tàu xảy ra trên Vịnh Hạ Long ngày 19/7 khi tàu Vịnh Xanh 58 đang hoạt động theo tuyến hành trình số 2 bất ngờ gặp giông lốc lớn và bị lật. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ tai nạn đã khiến 37 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 10 người may mắn được cứu sống. Vụ việc gây chấn động dư luận, không chỉ bởi số lượng thương vong lớn, mà còn bởi tính bất ngờ và khốc liệt của thiên tai; đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách trang bị đầy đủ kỹ năng thoát hiểm cho hành khách trên các phương tiện du lịch thủy, cũng như sự cần thiết phải dạy kĩ năng sinh tồn dưới nước, đặc biệt là đối tượng trẻ em. 

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm khoảng 50% tổng số ca tử vong do tai nạn thương tích. Đáng chú ý, hơn 55% số ca tử vong xảy ra ở trẻ em sống trong các hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Về địa điểm thường xảy ra tai nạn, 76,6% trẻ em tử vong do đuối nước tại cộng đồng, 22,4% xảy ra tại gia đình và chỉ 1% trong khuôn viên trường học.

Trước yêu cầu cấp thiết về phòng, chống đuối nước, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030, 70% học sinh được trang bị kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước; con số này sẽ tăng lên 90% vào năm 2035. Về cơ sở vật chất, đến năm 2035, tối thiểu 30% trường Tiểu học; 25% trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) hoạt động hiệu quả; 70% xã, phường, thị trấn sẽ có ít nhất một bể bơi phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. Về đội ngũ giáo viên, đến năm 2030, mỗi trường học sẽ có ít nhất 2 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận, có đầy đủ năng lực tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt tối thiểu 3 giáo viên vào năm 2035.

Bà Jennifer Horton, Phó Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhận định: Kể từ khi triển khai Kế hoạch quốc gia về phòng, chống đuối nước năm 2013, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể. Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia (26%) đã báo cáo chiến lược phòng, chống đuối nước đa ngành vào báo cáo phòng, chống đuối nước toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, tập trung vào việc giáo dục kỹ năng sống, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, mục tiêu là giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Cũng theo đại diện của WHO, tính tới thời điểm hiện tại, nhờ nỗ lực của Chính phủ và sự hỗ trợ từ các đối tác như Quỹ từ thiện Bloomberg, Đơn vị vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), hàng nghìn trẻ em Việt Nam được tham gia các lớp dạy kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tuy vậy, bà Jennifer Horton cảnh báo, tốc độ giảm tử vong do đuối nước ở Việt Nam đang chậm lại trong những năm gần đây. Hiện vẫn còn nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi và những khu vực kinh tế khó khăn – nơi các em thường xuyên tiếp xúc với môi trường nước không an toàn.

Trên quy mô toàn cầu, đại diện WHO cho biết, từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ tử vong do đuối nước đã giảm 38%. Đây là tiến bộ rất đáng khích lệ, song mức giảm này vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững. Có một thực tế đáng buồn, dù hoàn toàn có thể phòng tránh được nhưng đuối nước vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Trong thập kỷ qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người, chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên; đáng chú ý 9/10 trường hợp tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trẻ em không có sự giám sát của người lớn có nguy cơ đuối nước đặc biệt cao.

Báo cáo về tình hình đuối nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương (có sự tham gia của Việt Nam) khẳng định, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhiều hơn cả bệnh lao, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, sởi, viêm màng não, bệnh đường hô hấp, viêm gan, sốt xuất huyết và sốt rét cộng lại. Đó là lý do Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước (25/7) năm nay, WHO kêu gọi các chính phủ, tổ chức và cộng đồng quốc tế tiếp tục nhân rộng các hoạt động phòng, chống đuối nước hiệu quả, đã được thực tiễn chứng minh.

Những giải pháp cần được nhân rộng

Ông Michael R. Bloomberg, nhà sáng lập Quỹ Bloomberg Philanthropies cho rằng, những tiến bộ trong công tác phòng, chống đuối nước hoàn toàn có thể đạt được nếu chính phủ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ở địa phương. 

Tiến sĩ Caroline Lukaszyk, cán bộ kỹ thuật của WHO lưu ý, trẻ em trong độ tuổi đến trường nên được trang bị kỹ năng bơi và an toàn dưới nước như một biện pháp chủ động phòng chống đuối nước.  Ngoài việc học bơi cơ bản, trẻ cần được hướng dẫn các kỹ năng thiết yếu như nổi trên mặt nước, cách bình tĩnh xử lý khi bị trượt chân rơi xuống nước, kỹ năng cứu hộ an toàn không gây nguy hiểm cho bản thân, cũng như các bước sơ cứu ban đầu. Việt Nam cần xây dựng hệ thống dữ liệu đuối nước một cách đầy đủ, chính xác, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng. 

Còn theo bà Jennifer Horton, bằng chứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia cho thấy, có nhiều biện pháp phòng ngừa đuối nước hiệu quả, đơn giản mà không đòi hỏi chi phí cao. Điều kiện địa lý đặc thù của Việt Nam với đường bờ biển dài, mạng lưới sông, hồ, đập nước dày đặc, WHO đề xuất các biện pháp can thiệp ở cấp chính quyền bao gồm: Dựng hàng rào bảo vệ quanh khu vực nguy hiểm; bố trí nhân viên cứu hộ tại bể bơi, bãi biển công cộng; phổ cập đào tạo kỹ năng cứu hộ, sơ cứu cho người dân; duy trì lực lượng tìm kiếm cứu hộ; cung cấp cảnh báo thời tiết dễ tiếp cận và kịp thời cho cộng đồng. “Chúng ta cần nhân rộng các biện pháp này để tạo môi trường an toàn cho tất cả mọi người. Chúng ta cũng cần thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em, nâng cao kỹ năng an toàn cho cả cha mẹ và trẻ”. bà Jennifer Horton nhấn mạnh.

Ở cấp độ gia đình và cá nhân, chuyên gia WHO lưu ý vai trò chủ động trong bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ đuối nước. Những biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả bao gồm: trang bị kỹ năng bơi cho trẻ và người lớn; không để trẻ một mình khi ở gần nước, kể cả trong thời gian ngắn; kiểm tra điều kiện thời tiết trước khi tắm biển hoặc chèo thuyền; sử dụng áo phao khi tham gia các hoạt động trên nước. Mặc áo phao sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong các tình huống nguy hiểm. Với trẻ từ 6-15 tuổi, cần bơi được ít nhất 25 mét, nổi trong 90 giây, biết đứng nước. Đây là khoảng cách và thời gian tối thiểu để trẻ có thể sống sót trước khi được cứu.

Bà Horton nhấn mạnh, việc mở rộng các chương trình dạy bơi, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và đào tạo kỹ năng cứu hộ cần được tăng cường, không chỉ ở cấp quốc gia mà cả cấp địa phương và cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như chính phủ, tổ chức quốc tế, đoàn thể xã hội và cơ quan truyền thông sẽ là chìa khóa để tạo nên một môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Phương Thanh (TTXVN)
Triển khai Tuần lễ cao điểm truyền thông phòng, chống đuối nước từ ngày 20 - 26/7
Triển khai Tuần lễ cao điểm truyền thông phòng, chống đuối nước từ ngày 20 - 26/7

Hướng tới Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 725/BMTE-CS gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường các hoạt động tuyên truyền và triển khai biện pháp phòng, chống đuối nước, đặc biệt ở trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN