Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết ngày 28/4, ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và cũng là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày, cả nước xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, 44 người thương vong. Tất cả các vụ tai nạn trên đều xảy ra trên tuyến đường bộ.
Trong ngày, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 9.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; xử phạt gần 3,4 tỷ đồng;
Trong đêm 26 và chiều 27/4, xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng trên quốc lộ 1A làm 4 sinh viên tử vong. Ảnh: Vnexpress..net. |
tạm giữ 61 xe ô tô, 1.046 xe mô tô; tước 170 giấy phép lái xe. Lực lượng cảnh sát đường thủy toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 169 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt 27 triệu đồng.
Trong ngày đầu đợt nghỉ lễ, số lượng phản ánh của người dân qua điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với dịp nghỉ Tết nguyên đán Ất Mùi. Ngày 28/4, đường dây nóng nhận được gần 40 cuộc gọi và 10 tin nhắn với nội dung phản ánh về tình trạng xe khách chở quá số khách quy định và tăng giá vé, hiện tượng xe quá tải. Điển hình là việc phản ánh xe khách 30 chỗ, nhồi nhét 100 người trên tuyến Móng Cái - Nam Định và tăng giá vé 100.000 lên 150.000 đồng trên tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh, xe khách tuyến Giáp Bát - Thanh Hóa đã trả lại hành khách tiền tăng giá vé.
Chiều 27/4, ngày đi làm cuối cùng trước khi bước vào ngày nghỉ lễ kéo dài, người dân đổ về các bến xe tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến. Tại Hà Nội, lượng khách đổ về bến xe Mỹ Đình đông ngay từ 16 h và đông nhất là lúc 17-18h, vì đây là khoảng thời gian các cơ quan công sở được nghỉ, đa phần người dân dồn về bến xe để về quê. Tại bến xe Giáp Bát, lượng khách về bến xe tăng khoảng 15% - 30%, bến xe Giáp Bát đã tăng cường 30 xe để phục vụ hành khách. Theo đại diện các bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ dài ngày này, không có đơn vị vận tải đăng ký tăng giá vé. Tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng hành khách đổ về bến xe miền Đông tăng lên từng giờ, các quầy bán vé chật cứng người, một vài tuyến xe đường dài đã hết vé.
Tình trạng ùn tắc đã xảy ra trên một số trục đường của Hà Nội như Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng; khu vực xung quanh các bến xe tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Trước cổng bến xe Mỹ Đình, tình trạng người dân vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều rất phổ biến. Tại thành phố Hồ Chí Minh, kẹt xe nghiêm trọng đã xảy ra tại một số điểm trên quốc lộ 1A hướng Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, đặc biệt là đoạn qua cầu Bình Điền, trên xa lộ Hà Nội, đường Đồng Văn Cống, đường vành đai đông hướng từ Quận 7 về Quận 2, đường vành đai 2.
Ngay từ sáng sớm ngày 28/4, một số tuyến giao thông cửa ngõ của thành phố Hà Nội đã xảy ra ùn tắc. Tuyến đường vành đai 3 trên cao ùn tắc kéo dài toàn tuyến. Đến 10 h sáng, mật độ phương tiện vẫn khá đông, kéo dài từ đường dẫn Khuất Duy Tiến đến nút xuống quốc lộ 1A mới. Tuyến quốc lộ 1A cũ cũng xảy ra tình trạng ùn tắc do mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao, đặc biệt là xe máy. Trái ngược với Thủ đô Hà Nội, đường phố Thành phố Hồ Chí Minh sáng 28/4 thông thoáng, chỉ xảy ra tình trạng ùn tắc nhẹ trên đường cao tốc Sài Gòn – Đồng Nai và trạm thu phí Phước Long.
Vân Linh