Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2022 đến nay có trên 80 động vật hoang dã đã được người dân tự nguyện giao nộp cho các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh để làm các thủ tục pháp lý trước khi thả về với môi trường sống tự nhiên phù hợp.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Ngọc Tuấn cho biết, kết quả trên đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã. Rất nhiều trong những cá thể được giao nộp thời gian qua nằm trong nhóm động vật rừng đang hoặc có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác như: tê tê Java, cu li nhỏ, vượn đen má trắng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, trăn gấm, một số loài rùa quý hiếm…
Gần đây nhất, ông Trần Văn Hùng (ở thôn Đông Hòa, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) đã tự nguyện giao nộp một con khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) có trọng lượng 8 kg và một con khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) nặng 9 kg, đều thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm cho Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà. Hiện nay, đơn vị này đang chăm sóc và hoàn thiện các thủ tục để tiến hành thả trở lại các khu bảo tồn thiên nhiên có môi trường sống thích hợp.
Theo Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà Trần Văn Vinh, thông qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại cơ sở cũng như trên mạng xã hội đang góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về việc tự nguyện giao nộp động vật hoang dã từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 6 con khỉ đuôi lợn và khỉ mặt đỏ, 3 con rùa, sau đó phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền thả trở lại tự nhiên.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 288.401 hecta rừng, trong đó 211.243 hecta là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Địa phương này có Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La, với tổng diện tích lên tới hàng chục ngàn hecta
Nằm trong khu vực cảnh quan Trung Trường Sơn, những cánh rừng của Thừa Thiên - Huế có sự đa dạng sinh học cao, với khoảng 134 loài thú và hơn 500 loài chim. Đây cũng là địa bàn cư trú của rất nhiều loài đặc hữu như: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang lớn (Muntiacus vuquangensis), mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), cầy vằn (Chrotogale owstoni), trĩ Sao (Rheinardia ocellata), thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi); cùng với các loài có giá trị bảo tồn cao như vượn má vàng Trung bộ (Nomascus annamenis), vọoc chà vá chân nâu/ chân xám (Pygathrix spp) và nhiều loài thuộc họ trĩ khác (Lophura spp).
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Ngọc Tuấn, hiện nay có rất nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm duy trì hệ đa dạng sinh học đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học”; Dự án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường thực thi pháp luật nhằm giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam”; Dự án dự trữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học…
Đặc biệt, giữa tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức động vật châu Á khởi động Dự án "Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II" tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Trung tâm có diện tích 12,7 hecta, với kinh phí xây dựng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức động vật châu Á là 10,5 triệu USD. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2026, Trung tâm sẽ có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 con gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như ở khu vực miền Trung.