Ngày 7/5, Việt Nam có thêm 17 ca mắc COVID-19, cách ly ngay khi nhập cảnh; bỏ quy định giãn cách trong trường học

Ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận thêm 17 ca mắc mới COVID-19, đều là người từ nước ngoài về và được cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh không phải đeo khẩu trang và phòng học có thể bật điều hoà.

Tính đến  hết ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận thêm 17 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số mắc lên 288 trường hợp. Đã tròn 21 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Học sinh sẽ không phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lớp học. Ảnh: Lê Phú. 

Theo thông tin sơ bộ, trong số 17 hành khách mắc bệnh COVID-19, có 1 gia đình ba người đã sống cùng một bệnh nhân dương tính tại Dubai. Hiện nay, 17 bệnh nhân này đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, tình trạng sức khỏe ổn định. Các thành viên phi hành đoàn đã được cách ly.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 20.942 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 169; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.469; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.304 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 7/5, Việt Nam có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh tại bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là bệnh nhân cuối cùng trong tổng số 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh được công bố khỏi bệnh.

Như vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị khỏi, xuất viện 233/288 bệnh nhân; đa số bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định.

Thủ tướng đồng ý bỏ quy định giãn cách trong trường học

Sáng 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh cả nước đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu trạng thái bình thường mới. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng mới, trong đó có việc "không còn tình trạng giãn cách trong trường học".

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, 21 ngày qua không có ca mắc mới trong cộng đồng, tất cả các tỉnh, thành phố quyết định để học sinh đi học trở lại. "Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19, người dân đã dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng đề cập nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vẫn còn lớn, tình hình dịch bệnh trên toàn cầu còn diễn biến xấu, ở nhiều nước virus đang lây nhiễm mạnh, số người tử vong cao. Tại một số nước ASEAN tình hình diễn biến phức tạp. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục triển khai các biện pháp “giãn cách xã hội” phù hợp với trạng thái bình thường mới đối với các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Về những giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có biên giới cần căn cứ tình hình thực tế để cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa công tác phòng, chống dịch bệnh khi mở lại cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn; bảo đảm quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng lưu ý rằng chỉ khôi phục, cho hoạt động trở lại đối với các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hoá lớn; đặc biệt là hàng nông sản, thuỷ sản, hải sản xuất khẩu, nguyên liệu cấp thiết cho nhà sản xuất trong nước. Chỉ thông thương hàng hoá; không cho người nhập cảnh; ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông về các điểm đến an toàn với những hình thức cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh du lịch nội địa, nhất là vào dịp Hè này. Tiếp đó là chủ động tổ chức thị trường và chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Thực hiện chặt chẽ việc ngăn chặn nguồn bệnh từ bên ngoài đi đôi với tiếp tục tổ chức đưa công dân Việt Nam đang bị kẹt ở nước ngoài về nước bảo đảm trật tự, có mức độ, phù hợp với năng lực tiếp cận cách ly trong nước.

Nhắc lại một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, chi tiêu phòng dịch tại một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn sự vi phạm và đảm bảo giám sát chi tiêu quản lý kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh. "Các đồng chí phải tự kiểm tra, tự khắc phục, nếu có dấu hiệu vi phạm thì không được bao che, không được để tài sản nhà nước mất mát", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nêu ra một số biện pháp: Tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập, nếu có người ở nước ngoài về thì đều phải cách ly tập trung 14 ngày (trừ trường hợp các chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư được áp dụng phương thức cách ly tại chỗ phù hợp); tuyệt đối không được để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Học sinh không phải đeo khẩu trang và phòng học có thể bật điều hoà

Ngày 7/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong trường học.

Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 6/5/2020; Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương và nhà trường thực hiện một số nội dung như sau:

Không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học. Không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học.

Tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà. Không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người.

Được sử dụng điều hòa trong lớp học. Cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng; Tăng cường thực hiện lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng/lớp học, nhà vệ sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Từ 0 h ngày 8/5, vận tải hành khách trong nước hoạt động trở lại bình thường

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách trong nước.

Chú thích ảnh
Xe buýt tại Xí nghiệp Buýt Thăng Long Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thời gian thực hiện việc khôi phục vận tải hành khách áp dụng từ  0 giờ  ngày 8/5/2020.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách trong nước để đảm bảo tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với thực tế hiện nay.

Đồng thời, việc này cũng để tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải mà vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ, hành khách tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị nêu trên  thông báo tới đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện khôi phục hoạt động vận tải trong nước của các phương tiện vận tải hành khách như: xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy... trở lại bình thường.

Hà Nội phát tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu tiên đạt hơn 98%

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội: Đến nay, việc thực hiện cấp phát tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu tiên: Người có công (NCC) với cách mạng; bảo trợ xã hội (BTXH); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã đạt hơn 98%.

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện việc cấp phát cho 383.258/390.946 đối tượng, đạt hơn 98%. Trong đó, khối quận đã cấp phát cho 65.144/66.213 đối tượng, đạt 98,4%; khối huyện, thị xã cấp phát cho 318.114/324.733 đối tượng, đạt 98%.

Các trường hợp hiện chưa chi trả được phần lớn là do đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú.

Hà Nội đang tiếp tục rà soát 3 nhóm đối tượng người lao động (NLĐ) còn lại được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng gồm: NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê cho kết quả 1.477.000 đối tượng NLĐ; trong đó có 840.000 người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, đã tiến hành rà soát bổ sung theo hướng dẫn mới.

XC/Báo Tin tức
Ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính - Vpostcode
Ra mắt nền tảng mã địa chỉ bưu chính - Vpostcode

Nền tảng mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) được phát triển trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (V-map) và mã bưu chính quốc gia nhằm cung cấp các thông tin về vị trí và mã bưu chính của bất kì địa điểm nào trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN