Ngập lụt khiến 300 hộ dân ở thành phố Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa mưa, đời sống của hơn 300 hộ dân ở ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm - xã nông thôn mới của thành phố Cà Mau luôn bị đảo lộn do ngập lụt, trong đó có nhiều hộ bị ảnh hưởng nặng và ngập lụt, trở thành nỗi ám ảnh.

Ấp Bà Điều dù là cửa ngõ của thành phố Cà Mau và chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km, nhưng ngập lụt đã khiến nơi đây dần trở nên tiêu điều.

Men theo lối vào ngôi nhà của chị Chung Thanh Thủy, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm nhiều người sẽ không khỏi liên tưởng đang đến vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa lũ. Những hàng cây trơ trọi, những ngôi nhà mộc rêu xanh luôn đóng cửa im lìm … duy chỉ có những bụi bèo hoa dâu là xanh tốt. Thậm chí, những đứa con của chị hàng ngày vẫn giăng lưới bắt cá ngay trên chính sân nhà của mình.

Ngôi nhà của chị Thủy giờ chân vách đã mục, loang lổ vì rỉ sét và bám đầy rong rêu. Bên trong ngôi nhà cũng không khác gì ngoài sân, toàn là nước và bèo hoa dâu, từng đám vẫn trôi ngổn ngang... Gia đình bốn người phải sống trong hoàn cảnh như vậy trong suốt gần 10 năm qua.

Chị chia sẻ, mưa vài cơn thì nơi đây ngập vài tháng. Ngôi nhà dù xuống cấp nhưng vẫn không thể sửa sang, phần vì thiếu tiền, phần vì có sửa cũng mục nát nhanh chóng.“Nước ngập thường xuyên từ 30 đến 50cm, nên việc sử dụng đồ điện trong nhà luôn gặp nhiều khó khăn. Tôi sợ nguy hiểm cho mấy đứa con nên tất cả đồ dùng, thiết bị điện tôi đều kê lên cao. Đồ chất đống, ẩm ướt nên muỗi nhiều. Tôi và chồng đã nhiều lần bàn tính chuyển sang nơi khác sinh sống nhưng đây là đất của ông cha để lại, đi không đành”, chị Thủy buồn bã cho biết.

Bà Mạc Thị Dung, 71 tuổi, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm cho biết, năm nào cũng vậy, cứ độ tháng 5 tháng 6 âm lịch là bắt đầu ngập nước kéo dài đến Tết. Nước ngập gần như quanh năm nên rất ô nhiễm, vì lẽ đó mà nhiều cơ sở kinh doanh nơi đây luôn gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều hộ dân nơi đây cho biết, trước đây, ven tuyến Quốc lộ 1A đều có những ống xả nước, nhưng từ khi quy hoạch các khu đô thị thì những đường thoát nước cũng không còn, tình trạng ngập nước bắt đầu xảy ra. Đồng thời, phía sau những nơi dân cư này đều là đồng ruộng. Do đó, không ai cho tháo nước ra vì sợ ngập lúa.

Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận tình trạng trên và cho biết, trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ cống Hội Đồng Nguyên đến cống Bà Điều có khoảng 300 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt. Nói về nguyên nhân, ông Phúc cho rằng, những năm gần đây việc xây dựng nhà ở trong khu vực phát triển nhiều, đồng thời, Quốc lộ 1A được mở rộng ra thêm trên 1m khiến cho các đường thoát nước trước đây bị san lấp. 

Đồng thời, quy hoạch sản xuất đặc thù của xã Lý Văn Lâm là vùng giữ ngọt để trồng màu và lúa, nên mực nước trong xã luôn được giữ để điều hoà sản xuất. Bên cạnh đó, hiện xã có 6 cống và 2 trạm bơm, nhưng khi lượng mưa nhiều những cống và trạm bơm này hoạt động không hiệu quả. Điều này một phần vì các tuyến kênh đều ngập, nếu tháo nước ra rồi đóng lại như những vùng khác sẽ bị khô các kênh, gây khó khăn cho sản xuất.

“Để xử lý triệt để vấn đề ngập lụt tại địa phương thì phải chờ kiến nghị đến Trung ương mở rộng tuyến Quốc lộ 1A nhưng đồng thời phải xây hệ thống thoát nước ở hai bên. Trước mắt, xã đã được tỉnh và thành phố đầu tư hơn 1 tỷ đồng đào tuyến kênh Mét với chiều dài 2,5km để tháo úng, xổ phèn cho ấp Bà Điều. Nhưng theo đánh giá, đây chỉ là giải pháp trước mắt khó có hiệu quả lâu dài”, ông Phúc thừa nhận.

Với những giải pháp và cách làm như hiện nay có thể nói hơn 300 hộ dân sống ven tuyến Quốc lộ 1A sẽ phải tiếp tục sống chung với ngập lụt và chưa biết đến khi nào tình trạng “giăng lưới bắt cá trên sân” mới chấm dứt. Một giải pháp dài hơi và căn cơ nhằm hài hoà giữa sản xuất với đời sống là điều mà người dân sống trong vùng ngập lụt đang chờ từ ngành chức năng…

Huỳnh Anh (TTXVN)
Nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh  An Giang, Đồng Tháp, Long An
Nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hiện nay, mực nước sông Mê Kông đang lên. Những ngày tới có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN