Ngập lụt gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất ở lâm phần rừng U Minh Hạ

Nhiều hộ dân sống trên khu vực lâm phần thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) đang chịu cảnh sống chung với ngập lụt, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Dọc theo tuyến kênh 21 – con đường nhanh nhất để đến với ấp 13, xã Khánh An, huyện U Minh, khu vực trước đó chịu ảnh hưởng nặng của đợt ngập lụt vừa qua, con đường dẫn vào ấp gần như bị chia cắt vì nước ngập. Người dân sống tại đây cho biết nên đi xuồng hoặc đi đường vòng mới vào được ấp 13. Theo ghi nhận, không chỉ riêng tuyến đường vào ấp 13 bị chia cắt mà tuyến đường chạy dọc theo Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng phải đóng cửa với dòng cảnh báo: “đường ngập, xe không đi được”.

Đàn ong Ý được gây nuôi tại ấp 14, xã Khánh An thuộc vùng đệm rừng quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Tại khu vực ấp 12, 13 thuộc xã Khánh An (huyện U Minh), ấp Vồ Dơi thuộc xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), tình trạng nước ngập tràn lan, không chỉ ngập sâu nhiều đoạn lộ bê tông gây khó khăn cho việc đi lại của người dân mà thậm chí nhiều nơi người dân phải bơi xuồng vào nhà. Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ ấp 13, xã Khánh An chia sẻ: Nhà tôi thu nhập chủ yếu từ làm rẫy, nuôi cá, nhờ đó hàng năm thu về được vài chục triệu, năm nay coi như trắng tay.

Không chỉ tác động đến sản xuất, tình trạng ngập úng còn ảnh hưởng lớn đến việc học hành của con em người dân nơi đây. Chị Lê Thị Trinh, ngụ ấp 13, xã Khánh An cho biết: Nước ngập sâu khiến việc đi học của trẻ em rất khó khăn, gia đình không yên tâm nên đưa con đi học phải ở lại trường để chờ đón. Nước ngập lâu ngày khiến đường bám đầy rong rêu, nhiều em bị ngã ướt hết sách vở, có khi đi học giữa chừng phải quay về vì ngã.

Tại điểm trường T19 - trường Tiểu học Nông trường U Minh 3 (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), khu vực sân trường bị ngập hoàn toàn. Để vào trường, học sinh phải men theo con đường bê tông bị chìm sâu trong nước. Để tránh bị trơn trượt, các em phải bỏ dép ngoài cửa lớp để đi chân không vào lớp học.

Không chỉ riêng khu vực ấp 13, vùng ven tuyến đường từ Tắc Thủ hướng về Hòn Đá Bạc cũng rơi vào tình trạng úng ngập. Bà Nguyễn Thị Nhanh, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, tình trạng ngập lụt diễn ra đã ba tháng nay khiến cho việc đi lại sinh hoạt trong gia đình rất khó khăn, thậm chí phải bơi xuồng vào tận nhà để đỡ phải lội nước.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ ấp Vồ Dơi) cho biết: Nước ngập lâu ngày khiến cho việc chăn nuôi không thuận lợi, nhà có nuôi đàn heo nhưng nước ngập sâu khiến việc duy trì hết sức khó khăn. Bầy gà mấy chục con cũng chết hết do nước ngập. Cùng với đó là nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An (huyện U Minh), tình trạng ngập úng diễn ra từ tháng 9 đến nay. Những năm trước, tình trạng ngập thường xuất hiện nhưng năm nay diễn ra nghiêm trọng hơn. Ngập úng làm đã ảnh hưởng đến 7 ấp của xã với diện tích đất sản xuất kết hợp là 2.160 ha, trung bình mỗi ấp có khoảng 150 hộ dân sinh sống. Các ấp này đều thuộc lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Hạ,.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những ngày qua lượng mưa rất nhiều kết hợp với nước xả từ các cống của Vườn Quốc gia U Minh Hạ đổ ra. Cùng với đó, năm nay, triều cường thường xuyên dâng cao khiến cho mức độ ảnh hưởng lớn hơn hàng năm.

Theo dự báo, vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, triều cường còn dâng cao hơn. Trước tình hình này, UBND xã đã trực tiếp đề nghị và được sự đồng ý của Vườn quốc gia U Minh Hạ đắp các cống đập có xả nước ra khu vực xã Khánh An, nhằm hạn chế bớt lượng nước. 

Hiện chưa có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại, khi nước rút, xã sẽ chỉ đạo cán bộ nông nghiệp có báo cáo về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Từ đó, địa phương sẽ có kiến nghị đến các ngành chức năng xem xét, nếu bà con đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ theo quy định. Về lâu dài, giải pháp căn cơ là cần thay thế tất cả hệ thống đập bằng hệ thống cống để thoát nước. Ngoài ra, nếu có điều kiện về vốn, nên xây dựng một trạm bơm tháo nước khi nước dâng cao.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Nhiều hộ dân có thu nhập cao từ 'lộc rừng' U Minh Hạ
Nhiều hộ dân có thu nhập cao từ 'lộc rừng' U Minh Hạ

Đất rừng U Minh Hạ xưa nay vốn nổi danh vì sản vật phong phú. Trước sự phát triển của thị trường, nhiều loại cây và động vật hoang dại đặc trưng của mảnh đất này nay đã trở thành đặc sản; trong đó, trái giác xưa nay vốn chỉ là món ăn quen thuộc của người dân quê thì giờ đây được nhiều người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ coi như “lộc” của rừng ban để cải thiện đời sống kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN