Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là nhằm hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp ổn định đời sống, có điều kiện học nghề để tìm được việc làm, sớm trở lại làm việc. Thế nhưng, không ít người lao động đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để trục lợi từ chính sách BHTN.
Quá tải
Theo ghi nhận của phóng viên tại các trung tâm đăng ký BHTN của TP Hồ Chí Minh, lượng người đến đăng ký BHTN ngày càng tăng. Tại địa điểm đăng ký BHTN trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), ngay từ 9 giờ sáng, các điểm gửi xe của trung tâm đã chật kín.
Số người đăng ký BHTN ngày càng tăng. |
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, đến hết quý I vừa qua đã có gần 29.000 người đến đăng ký thất nghiệp, trong đó 17.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và 15.895 người đã được giải quyết trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trả BHTN là 87,2 tỷ đồng. Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, số người đăng ký BHTN tăng là do gần đây kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, giảm biên chế hoặc mức sống tại công ty đang làm không đủ chi trả cho cuộc sống nên họ xin nghỉ việc.
Hiện mỗi ngày tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - quận Bình Thạnh) trung bình có khoảng 400 - 500 người đến đăng ký BHTN. Để giải quyết tình trạng quá tải ở Trung tâm giới thiệu việc làm, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã mở thêm văn phòng đăng ký BHTN ở số 456 Trường Trinh, quận Tân Bình để phục vụ người lao động trên địa bàn các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, 12 và sắp tới sẽ mở thêm một văn phòng đăng ký ở quận 2.
Mặc dù, số lượng người thất nghiệp tăng, nhưng tồn tại một thực trạng là doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động, nguyên nhân là do doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng trả lương cho người lao động thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo nên không thu hút được người lao động đến làm việc. Một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động lớn nhưng không phải là để mở rộng sản xuất mà là dự phòng nhằm thay thế lao động hiện đang làm việc tại doanh nghiệp.
Nhưng bên cạnh đó, một nguyên nhân khác góp phần làm tăng số người đăng ký BHTN là do nhiều người lao động lợi dụng kẽ hở của BHTN để nhận tiền BHTN nhưng thực chất không bị thất nghiệp. Cụ thể, vừa qua Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 157 trường hợp nhận tiền BHTN nhưng lại không bị thất nghiệp trong vòng 15 ngày theo đúng quy định nên Trung tâm đã quyết định truy thu đối với những trường hợp trên.
Khó kiểm soát vi phạm
Theo quy định, việc xác định lao động đã đăng ký BHTN vẫn chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động là rất khó. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Thực chất rất khó để kiểm soát việc người lao động được nhận BHTN có thật sự thất nghiệp hay không, bởi vẫn chưa có một cơ chế hay một công cụ nào để có thể quản lý. Có nhiều trường hợp người lao động xin nghỉ việc nhưng có việc làm ngay tại các doanh nghiệp nhỏ dưới 10 lao động. Mà theo quy định, doanh nghiệp dưới 10 lao động thì không phải đóng BHTN nên việc xác định họ có thực sự thất nghiệp hay không là không dễ”. Ông Nguyễn Đăng Tiến nhìn nhận: “Nếu không quản lý được tình trạng trên thì nguy cơ thâm hụt hoặc vỡ quỹ BHTN là rất lớn”.
Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, để tránh tình trạng người lao động khai hồ sơ khống để nhận BHTN, người lao động khi đến đăng ký BHTN phải có sổ bảo hiểm đóng đầy đủ BHXH trong vòng 12 tháng. Số sổ của người lao động sẽ được lưu trên mạng thông tin của BHXH, nên chỉ cần nhập mã số sổ thì sẽ phát hiện ra hồ sơ của người lao động đó có thực hay không. Còn đối với những trường hợp người lao động sau khi làm việc 1 - 2 năm xin giấy nghỉ việc nhưng không bị thất nghiệp trong vòng 15 ngày nhưng vẫn đăng ký để nhận BHTN là họ đã vi phạm Thông tư 32. Đối với những trường hợp trên, người đó sẽ bị phát hiện trong quá trình đóng BHXH tại công ty mới, khi nghỉ lần sau sẽ bị phát hiện ngay lập tức và khi đến hưởng lần trợ cấp thất nghiệp sau họ sẽ bị trừ và thu hồi lại. Thực tế hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều trường hợp bị truy thu tiền BHTN. Ông Trần Xuân Hải cho rằng: “Để quản lý được những trường hợp trên thì phải có phần mềm để quản lý, theo dõi chung người lao động đến đăng ký làm việc tại tất cả các doanh nghiệp để biết người lao động có việc làm hay chưa”.
Bài và ảnh: Đan Phương