'Ngân hàng bò' mang Tết đến với đồng bào nghèo

Có một ngân hàng mà vốn là sự thiện nguyện của những tấm lòng hảo tâm được mang đến tặng cho đồng bào nghèo; lãi là quá trình lao động của hộ nghèo này được tặng lại cho hộ nghèo khác. Cái “lãi” lớn nhất mà toàn xã hội nhận được từ ngân hàng này chính là những hộ nghèo sẽ thoát nghèo bền vững, là no ấm ngập tràn khắp mọi miền đất nước. Đó là ngân hàng đặc biệt - “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Có mặt trong đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Trung ương đến thăm, tặng quà Tết Ất Mùi 2015 cho đồng bào nghèo xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, mới thấy hết ý nghĩa của dự án “Ngân hàng bò” được triển khai tại tỉnh vùng núi phía Đông Bắc Tổ quốc này.

Địa Linh là một trong những xã nghèo có đông đồng bào dân tộc nhất tỉnh Bắc Kạn. Xã có hơn 800 hộ dân với trên 3.700 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện còn gần 29%. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Đồng cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chế độ đối với gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, động viên người dân trong tỉnh yên tâm phát triển sản xuất. Đặc biệt trong đó có chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Riêng tại xã Địa Linh, năm 2014 đã có 15 hộ dân nhiều năm chưa thoát được nghèo, hộ người già neo đơn hoặc nạn nhân chất độc da cam không có điều kiện để phát triển kinh tế tại 2 thôn Bản Váng 1 và 2 đã được nhận bò giống. Trong đó, dịp đón Xuân Ất Mùi năm nay, cùng với 5 con bò được trao tặng tại thôn Nà Cáy có thêm một chú bê khỏe mạnh giúp đồng bào yên tâm phát triển sản xuất.

Ảnh minh họa - TTXVN


Vừa hoàn thành việc xác nhận tên mình trong bản Danh sách hưởng lợi dự án “Ngân hàng bò”, anh Triệu Chiều Phủ (thôn Nà Cáy) không giấu được niềm vui: "Nhà mình có 4 người, nghèo lắm. Ngoài làm ruộng, làm nương, hai vợ chồng phải đi thái sắn thuê để nuôi con và cho chúng đi học. Tết này, may mắn được hỗ trợ bò giống, được tự tay chọn bò ở Chợ bò Nghiên Loan, mình rất vui. Mình sẽ chăm sóc thật cẩn thận theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y để bò phát triển tốt, để nhà bớt nghèo, bớt đói".

Tại Bắc Kạn, dự án “Ngân hàng bò” triển khai năm 2012 với việc trao tặng 100 con bò giống cho đồng bào nghèo các xã An Thắng, Xuân La, Nghiêm Loan (huyện Pác Nặm); đến nay ngân hàng đặc biệt này vẫn được duy trì, phát triển qua chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, giúp nhiều người dân nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Theo thống kê từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2014 đã có 86 con bê ra đời, trong đó 46 con đã được bàn giao cho các hộ nghèo khác tại những địa phương có dự án.

Cũng trong năm 2014, chương trình này hỗ trợ 15 con bò giống cho các hộ dân huyện Ba Bể với tổng trị giá gần 250 triệu đồng, trong đó Trung ương Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ 150 triệu đồng, vốn đối ứng của huyện là 45 triệu đồng, còn lại là do các hộ đóng góp, ủng hộ.

Khác với nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo khác, tại Bắc Kạn “Ngân hàng bò” giúp mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản. Khi bò sinh con bê đầu tiên, nếu là bê cái sẽ trao cho hộ nghèo khác, nếu là bê đực thì giao cho Hội Chữ thập đỏ bán để mua con bê cái. Gia đình giao bê song chính thức được sở hữu con bò đã sinh sản đó. Như vậy có thể khẳng định đây là hoạt động mang tính nhân văn, góp phần giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Thấy được tính nhân văn của Dự án, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh Bắc Kạn tập trung mọi nguồn lực để mở rộng, phát huy hiệu quả dự án. Ngay từ năm 2012, Hội Chữ thập đỏ Bắc Kạn và các huyện, thị đã thông báo, phổ biến nội dung của Dự án tới cán bộ hội chữ thập đỏ phường, xã cũng như thông báo rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng và qua hệ thống loa truyền thanh thôn, bản. Qua danh sách rà soát, chọn lọc từ cơ sở, Hội cử các đoàn công tác về kiểm tra, khảo sát tại các hộ nhằm đánh giá thực chất để hỗ trợ được đúng đối tượng. Trong buổi khảo sát, các cán bộ chữ thập đỏ cũng trực tiếp tìm hiểu về nhu cầu, khả năng chăm sóc bò cũng như các điều kiện về chuồng trại của các hộ để có cơ sở chọn lọc.

100 con bò giống đã được Ban Quản lý dự án “Ngân hàng bò” tỉnh Bắc Kạn tuyển chọn rất kỹ. Bò đều ở độ tuổi từ 18 đến 24 tháng, cân nặng từ 120 đến 150 kg, có khả năng sinh sản tốt, khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò tại địa phương nên phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân. Sau khi trao cho các hộ nghèo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục chỉ đạo địa phương lập sổ theo dõi, thường xuyên báo cáo về tình hình chăm sóc bò.

Chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” - bước chuyển lớn của Dự án “Ngân hàng bò”- được triển khai tại Bắc Kạn vào giữa năm 2013 và được nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong tỉnh ủng hộ, nhiệt tình tham gia. Đây được coi là một trong những chương trình hoạt động an sinh xã hội hiệu quả khi chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào, nhất là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, qua đó giúp họ có thêm phương tiện sản xuất, nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Tại buổi trao tặng quà Tết ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Cường cho biết: Thực hiện cuộc vận động phát triển “Ngân hàng bò”, riêng trong năm 2014, Hội Chữ thập đỏ Bắc Kạn, huyện Ba Bể và thị xã Bắc Kạn đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng hộ nghèo trong huyện Ba Bể và thị xã Bắc Kạn thêm 16 con bò giống. Bên cạnh đó, 55 hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn tại hai huyện Ba Bể, Bạch Thông và thị xã Bắc Kạn cũng được hỗ trợ nuôi trâu, bò phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Bắc Kạn hiện vẫn còn 18,55% số hộ dân thuộc diện nghèo, trong đó hội viên phụ nữ nghèo là 13.038 hộ, chiếm 77,08% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Như những người dân khác, ông Nguyễn Văn Cường mong muốn chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” tiếp tục đến với nhiều đồng bào nghèo để bà con có thêm nhiều mùa xuân no ấm hơn.

Buổi trao quà kết thúc khi màn xương dần tan, ánh mặt trời đã lên lưng chừng núi. Khép lại hoạt động tại xã Địa Linh, cán bộ Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương bàn tiếp chuyện tiếp nhận 50 con bò sinh sản sắp tới tại 2 huyện của tỉnh Bắc Kạn.


Mỹ Bình (TTXVN)


Nuôi bò sữa để thoát nghèo
Nuôi bò sữa để thoát nghèo

Vài năm trở lại đây, xã nông nghiệp Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) từng bước vươn lên phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi bò sữa. Phong trào nuôi bò sữa theo hình thức nông hộ đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân, điển hình là các hộ Khmer nghèo tại địa phương này thoát nghèo nhanh chóng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN