Ngăn chặn tình trạng dư thừa đàn ông

Xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn đang gia tăng ở mức báo động. Nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ từ bao đời nay.

"Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì trong vòng 15 - 35 năm nữa, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu đàn ông”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo.

Hỗ trợ, nâng cao vị thế của nữ giới là biện pháp hữu hiệu giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: Bộ y tế


Ước muốn thâm căn

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra, còn sống trong cùng một thời gian và trên một địa bàn nhất định. Ở mức bình thường,TSGTKS là 105 trẻ trai/100 trẻ gái hoặc dao động trong khoảng 104 - 106/100; nhưng tại Việt Nam, từ năm 2006, ngành y tế đã phải lên tiếng báo động vì con số này đã đạt ngưỡng 109,8/100.

Từ đó đến nay, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), nhất là tại những tỉnh, thành phố có TSGTKS cao.

Ấy thế nhưng, gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã rất lo lắng cho biết: “MCBGTKS lộ diện rất rõ và đang ở mức báo động: Năm 2013, TSGTKS đã ở mức 113,8 bé trai/100 bé gái. Đáng báo động hơn cả là xu hướng này vẫn ngày một tăng. Chúng tôi đã giật mình sửng sốt vì kết quả kiểm tra cho thấy, TSGTKS tại một số địa phương rất cao, đặc biệt các xã thuộc các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, có nơi lên đến gần 150 trai/100 trẻ gái. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì có thể dẫn đến các hệ lụy: Nam giới khó lấy được vợ, tan vỡ cấu trúc gia đình, bất bình đẳng giới, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em…”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giúp biết được giới tính của thai nhi, không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng MCBGTKS. Nguyên nhân quan trọng nằm ở tâm lý, ước muốn thâm căn phải có con trai từ bao đời nay của người dân Việt Nam.

Vậy nên, hiện tại, dù đã chấp nhận chuẩn mực “mỗi gia đình chỉ có từ 1- 2 con” nhưng ai cũng muốn phải có ít nhất 1 con trai, vì cho rằng con trai rất quan trọng trong việc nối tiếp dòng họ, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ khi về già.

“Để giải quyết tận gốc vấn đề MCBGTKS thì các ban ngành, các cấp chính quyền cần vào cuộc. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi dần quan niệm “trọng nam, khinh nữ” trong cộng đồng và cũng để chính các cán bộ lãnh đạo trở thành tấm gương cho quần chúng. Thực tế, có nhiều đồng chí ủy viên thường vụ ở cấp tỉnh đã tìm đủ mọi cách như gửi vợ đi chỗ khác để sinh bằng được con thứ 3 là con trai”. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng, Phụ trách Tổng Cục DS - KHHGĐ, Bộ Y tế.



Đánh giá về những giải pháp khống chế TSGTKS trong 2 - 3 năm gần đây, đại diện Bộ Y tế cho rằng tuy đã đạt một số hiệu quả nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các biện pháp can thiệp mới chỉ chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính..., là những giải pháp có tính khả thi không cao. Trong khi vấn đề căn cơ là phải tập trung tuyên truyền, thay đổi tư tưởng coi trọng nam giới đã ăn sâu trong cộng đồng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh ở Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình”.

“Bên cạnh đó, mặc dù đã có lệnh cấm chính thức về lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng các dịch vụ siêu âm và nạo thai vẫn tiếp tục được sử dụng sai mục đích. Việc giám sát các phòng khám y tế tư nhân và bệnh viện đã không được thực hiện đầy đủ và các biện pháp xử phạt hiện nay dường như không đủ mạnh để hạn chế nạo thai lựa chọn giới tính. Nhu cầu về chẩn đoán tiền sản để xác định giới tính thai nhi đã dẫn tới việc bùng phát các cơ sở y tế tư nhân, khuyến khích khách hàng và các cán bộ y tế bỏ qua các quy định của pháp luật”.

Tập trung nâng cao vị thế của nữ giới

Theo ông Arthur Erken, Việt Nam cần thiết phải có các chương trình giáo dục trẻ em gái và trẻ em trai về bình đẳng giới. Cũng cần thiết phải làm việc cùng với giáo viên để thúc đẩy tuyên truyền bình đẳng giới từ chương trình giáo dục mẫu giáo cho đến trung học.

“Cải thiện luật pháp và chính sách hiện nay cũng như tăng cường thực thi pháp luật một cách hiệu quả giúp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái hiện nay là một vấn đề then chốt. Cần lưu ý, đây không phải là công việc của một cá nhân hay cơ quan đơn lẻ. Tất cả các bên liên quan cũng cần phải xây dựng trách nhiệm giải trình để bảo đảm các cam kết được thực hiện hiệu quả”, ông Arthur Erken nhấn mạnh.

Là đơn vị “chủ trì” trong việc xây dựng và tổ chức triển khai các hoạt động khống chế tình trạng MCBGTKS, đại diện Tổng Cục DS - KHHGĐ cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án kiểm soát MCBGTKS cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Trọng tâm của Đề án là tập trung xây dựng và hoàn thiện mô hình can thiệp tổng hợp, đồng bộ cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động thay đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em gái triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng MCBGTKS, trước hết là các tỉnh MCBGTKS trầm trọng nhất. Đề án đã được các ngành thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục và vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi liên quan đến MCBGTKS nhằm cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; đưa các nội dung về giới tính khi sinh thành một trong những nội dung trọng tâm trong quá trình xây dựng Luật Dân số. Triển khai có hiệu quả đề án Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS tại 43 tỉnh/thành phố…”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng, Phụ trách Tổng Cục DS - KHHGĐ, khẳng định.


Phương Liên

Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh
Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ mít tinh khởi động Chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN