Quay lại với Quinvaxem Chờ đợi mãi không đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ được cho cháu, bà Đỗ Thị Nga (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định bế cháu đến Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh tiêm vắc xin Quinvaxem để hoàn thành đủ 3 mũi tiêm vắc xin 5 trong 1. Bà Nga thở phào: “Tiêm xong cả nhà tôi cũng rất lo lắng theo dõi cháu sát sao trong 2 ngày liền, nhưng cháu chỉ sốt 38,50C. Vậy là cháu tôi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Quinvaxem, cháu hoàn toàn khỏe mạnh và gia đình đã yên tâm vì cháu đã được phòng bệnh”.
Bà Nga cũng cho biết, trước đó, cháu bà đã tiêm được 2 mũi Quinvaxem và chỉ có hiện tượng sốt nhẹ, nhưng khi thấy mọi người truyền tai nhau về các tai biến nên đã dừng lại để chờ tiêm mũi cuối bằng vắc xin dịch vụ. Nhưng vắc xin dịch vụ không có, nếu không tiêm đủ thì hiệu quả phòng bệnh của 2 mũi trước không cao nên gia đình quyết định tiêm nốt mũi 3 bằng vắc xin Quinvaxem.
Cần hướng dẫn, nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ sau tiêm chủng cho người dân để giảm các tai biến. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Chị Nguyễn Thị Thủy (Đống Đa, Hà Nội) cũng vừa tiêm xong mũi đầu tiên cho con bằng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. “Con tôi có phản ứng sốt cao 390C, nhưng theo dõi cháu chặt chẽ và cho uống thuốc hạ sốt ngay nên không sao. Trước nhiều thông tin về Quinvaxem thực sự ai cũng muốn chuyển sang vắc xin dịch vụ nhưng “cơn sốt” vắc xin dịch vụ không biết bao giờ mới hạ nhiệt, “săn” được 1 mũi tiêm dịch vụ còn khó chứ đừng nói tới đủ 3, 4 mũi cứ chờ đợi thế này lỡ có dịch bệnh mà con mình chưa bảo vệ thì còn nguy hiểm hơn nhiều”, chị Thủy chia sẻ.
Không chỉ bà Nga, chị Thủy, nhiều người đã quyết định quay lại với vắc xin Quinvaxem khi biết khó lòng tiêm đủ bằng các mũi vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, trong khi đó, việc bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh là rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay số trường hợp tử vong do tiêm vắc xin dịch vụ chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ so với hàng triệu mũi tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nếu không tiêm chủng thì mỗi ngày cũng có 30 - 50 trẻ em tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu đặt ngược lại, khi tiêm chủng vắc xin dịch vụ với số lượng lớn như Quinvaxem thì nguy cơ tai biến và tử vong cùng với các trường hợp ngẫu nhiên cũng giống như Quinvaxem chứ không kém hơn, khi đó lại đổ lỗi cho vắc xin dịch vụ. Vấn đề quan trọng hơn ở đây là tạo miễn dịch cho cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ đã tiêm các mũi trước bằng vắc xin dịch vụ có thể tiếp tục tiêm bằng vắc xin Quinvaxem. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin dịch vụ cách đây 4 - 5 tháng thì cần được tiêm càng sớm càng tốt mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Đã có nhiều bài học “đắt giá” về việc giảm tỷ lệ tiêm chủng làm dịch bệnh bùng phát nếu không được tiêm chủng đầy đủ, sự việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam vừa qua là một ví dụ. Vì thế Bộ Y tế cũng mạnh mẽ khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ.
Xử trí kịp thời các phản ứng
Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dương Thị Hồng: Các loại vắc xin cũng như thuốc, không có loại nào tuyệt đối an toàn, không có những phản ứng. Các phản ứng nặng sau tiêm chủng có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, các bà mẹ cần chú trọng theo dõi sức khỏe của con mình liên tục ít nhất trong 24 giờ sau khi tiêm.
Các bậc cha mẹ cũng cần biết những việc cần thực hiện và phối hợp với cán bộ y tế khi đưa con đi tiêm chủng, biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Cụ thể như: Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.
Cũng theo bà Dương Thị Hồng, hiện nay cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến đều được đào tạo, tập huấn những kiến thức về an toàn tiêm chủng và xử lý ban đầu đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm. 100% các trạm y tế xã, phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc. Các trường hợp phản ứng ngay tại thời điểm tiêm chủng thì trẻ cần được xử trí tại cơ sở y tế gần nhất. Điều quan trọng nhất là các bà mẹ cần cho trẻ ở lại trạm y tế sau tiêm 30 phút để cán bộ y tế theo dõi về tình trạng sức khỏe, dị ứng, phản ứng quá mẫn, sốc... Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (trên 390C), co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.