Người dân làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La. Ảnh: Lê Hữu Quyết – TTXVN |
Đối tượng được vay vốn là hộ gia đình nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Trường hợp hộ nghèo có tên trong Danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đã được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách này đã thoát nghèo, thì vẫn được xem xét cho vay vốn để làm nhà ở theo hướng dẫn tại văn bản của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Cụ thể, hộ gia đình thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ. Mức cho vay này đã được nâng lên thêm 17 triệu đồng so với mức cho vay tối đa 8 triệu đồng/hộ trong giai đoạn 1.
Lãi suất cho vay là 3%/năm (0,25%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn: bằng 130% lãi suất khi cho vay (3,9%/năm). Thời hạn cho vay 15 năm kể từ thời điểm hộ vay nhận nợ món vay đầu tiên; trong đó thời gian ân hạn là 5 năm đầu. Trong thời gian ân hạn, hộ vay chưa phải trả nợ, trả lãi; hộ vay bắt đầu trả nợ, trả lãi tiền vay từ năm thứ 6 trở đi. Thời hạn cho vay đã được tăng thêm 5 năm so với thời hạn cho vay 10 năm trong giai đoạn 1.
Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 10% tổng số vốn đã vay, đặc biệt hộ vay có thể trả nợ trước hạn. Cụ thể, hộ vay được trả nợ gốc trước hạn và trả lãi trong thời gian ân hạn.
Hộ vay là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hộ vay phải cam kết không chuyển nhượng nhà ở khi chưa trả hết nợ gốc và lãi của khoản vay.
Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho biết, kết quả thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 1 đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ; trong đó có 224 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2015-2010, mục tiêu của chương trình là hỗ trợ nhà ở cho khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống.