Năm 2013, ngành y tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Năm qua, ngành y tế đã rất nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số hiện tượng thể hiện sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận y, bác sĩ. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?
Bên cạnh những tấm gương không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm hết lòng vì người bệnh của hàng ngàn, hàng vạn bác sỹ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế, trong thời gian qua, đã có một số y bác sỹ đã không giữ được phẩm chất của mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây tổn hại cho người bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do bản thân con người đó không tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không tiếp thu sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình, xã hội, nhà trường; chạy theo lối sống thực dụng, trái với đạo đức nghề nghiệp; cố ý làm trái những quy định, nội quy, quy chế của tổ chức, quy trình chuyên môn và quy định hành nghề gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Thứ hai, là do tác động của tình trạng quá tải trong các bệnh viện công lập, khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng, bức xúc, nên dễ xảy ra tình trạng nhân viên y tế có thái độ chưa đúng mực, chưa thực hiện nghiêm quy trình, quy định về khám bệnh, chữa bệnh; tâm lý người bệnh khi đi khám bệnh, điều trị mong được khám sớm, được các thầy thuốc và nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn nhiều hơn, song do tình trạng quá tải, nên dù cán bộ, nhân viên y tế rất muốn nhưng không thể đáp ứng được điều mong mỏi này.Bên cạnh đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế hiện còn rất bất cập cũng có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến một số cán bộ y tế đã không giữ được bản lĩnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cũng phải đề cập tới sự quảng cáo quá mức của một số cơ sở y tế tư nhân và sự dễ tin vào quảng cáo của một số người, đã dẫn đến tình trạng người dân tự đi kiếm dịch vụ y tế ở những cơ sở không đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ cán bộ, và gặp phải những tai biến gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các “sự cố” hay tái diễn là do việc xử lý của ngành y chưa nghiêm, chưa đúng người, đúng tội. Nhận định đó có đúng không, thưa Bộ trưởng?
Đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che, tuân thủ các quy định pháp luật và thẩm quyền quản lý nhà nước. Thời gian qua, các vụ việc xảy ra đều đã được xử lý nghiêm như trường hợp tiêm thiếu liều vắcxin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và tiêm vắcxin quá hạn tại Trung tâm Y tế thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, vụ tai biến vắcxin tại Quảng Trị. Ngay sau khi xảy ra các sự việc trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân vi phạm và người liên quan.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ trực tiếp tiêm chủng và khiển trách đối với Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành kiểm điểm phê bình trước lãnh đạo Sở Y tế và bị cắt thi đua khen thưởng. Sở Y tế tỉnh Phú Yên đã điều chuyển cán bộ có vi phạm sang làm công tác khác và tiếp tục làm rõ sai phạm để có hình thức kỷ luật thích hợp. Còn với vụ tai biến vắcxin tại Quảng Trị, ngoài các biện pháp chấn chỉnh về chuyên môn, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Sở Y tế, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị và đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc, xác định nguyên nhân tử vong.
Một vụ việc nổi cộm nữa là vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm để trục lợi BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trên đây là một số ví dụ điển hình về việc xử lý các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong ngành y tế. Như vậy không có cơ sở để nói rằng “việc xử lý của ngành y chưa nghiêm, chưa đúng người, đúng tội”.
Thời gian tới, ngành y tế sẽ làm gì để tiếp tục giữ gìn và nâng cao y đức của người thầy thuốc, thưa Bộ trưởng?
Trong năm 2014, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp, để có hành lang pháp lý cao hơn cho việc thực hành quy tắc ứng xử của y bác sỹ đối với bệnh nhân. Thông tư sẽ quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trách nhiệm của Giám đốc sở y tế, lãnh đạo y tế bộ, ngành, trách nhiệm của Giám đốc các bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng bệnh viện... trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử; đưa ra các hình thức kỷ luật đối với cá nhân vi phạm và người quản lý đơn vị, nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, sẽ phát huy hiệu quả của đường dây nóng (Tổng đài Đường dây nóng của Bộ Y tế, số điện thoại 0973 306 306), tiếp tục tăng cường hiệu quả của hệ thống đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp: Tại các bệnh viện, tại sở y tế và tại Trung ương do Bộ Y tế quản lý. Các số điện thoại đường dây nóng đã được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay Bộ Y tế thiết lập đường dây nóng tạm thời tại Báo Sức khỏe & Đời sống. Sắp tới, nhiệm vụ này sẽ được chuyển cho Thanh tra Bộ (bộ phận tiếp dân) tiếp nhận và xử lý. Đồng thời Bộ Y tế cũng cung cấp 1.200 điện thoại cho các cơ sở để tiếp nhận các cuộc gọi từ đường dây nóng, nhằm kịp thời thu nhận và xử lý thông tin.
Đặc biệt, Bộ sẽ yêu cầu giám đốc các bệnh viện thực hiện các biện pháp như phát phiếu xin ý kiến người bệnh và gia đình người bệnh, của nhân dân; đặt các hòm thư góp ý; bố trí camera tại một số khoa, phòng bệnh để phát hiện kịp thời các sai phạm.
Trên thực tế, việc giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc là việc làm thường xuyên của ngành. Tuy nhiên, một mình ngành y tế không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức. Chính vì vậy, Bộ Y tế mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Phương Liên (thực hiện)