Nâng cao trách nhiệm và ý thức giao thông

Phấn đấu giảm 5-10% vụ tai nạn giao thông


Với chủ đề Năm An toàn giao thông (ATGT) 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, cả nước phấn đấu giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông (TNGT), số người chết và bị thương vì TNGT.


Giảm sâu cả ba tiêu chí


Năm 2012, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương trong cả nước đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nhiều nội dung mới và đột phá trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.

Các chiến sỹ Phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Giang) lập Biên bản đối với chủ xe vi phạm đi lấn làn đường trên quốc lộ 1A đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Tình hình trật tự ATGT bước đầu được thiết lập lại, vượt mục tiêu giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trong năm 2012 mà Quốc hội đã đề ra. TNGT có chuyển biến tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sau 10 năm (từ 2001-2011) số người chết vì TNGT đã giảm xuống dưới 10.000 người. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia thì trong năm 2012, toàn quốc xảy ra trên 36.400 vụ tai nạn, làm chết 9.849 người, bị thương hơn 38.000 người. So với năm 2011 giảm 7.490 vụ (17,06%); giảm 1.647 người chết (14,33%); giảm hơn 9.500 người bị thương (20,02%). Có bốn tỉnh giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương trên 30% là: Kiên Giang, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Hà Tĩnh. 24 tỉnh, thành phố giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó số người chết vì TNGT giảm từ 15% đến dưới 30%. 40 tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết vì TNGT. Chỉ có hai tỉnh là Bắc Kạn và Đồng Nai có số người chết vì TNGT tăng.


Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2012 mặc dù trong điều kiện nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện nhưng công tác bảo đảm trật tự ATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trật tự ATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương trong năm 2012 đều giảm sâu. Điều đó khẳng định các giải pháp của Chính phủ được triển khai thực hiện trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong năm 2013 và các năm tiếp theo.


Nhiều mô hình bảo đảm trật tự ATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông như: Bắc Ninh với mô hình gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc đảm bảo ATGT, thành phố Đà Nẵng với mô hình phân tách làn ô tô – xe máy trên một số tuyến phố, chiến dịch khuyến khích đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; Hà Nội với mô hình tổ công tác đặc biệt 141 của Công an Hà Nội (phối hợp giữa cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động) để tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT… Thành phố Hồ Chí Minh với mô hình ký cam kết thực hiện giữa thành phố - quận (huyện) - xã (phường) - nhân dân; An Giang với mô hình công chức, viên chức nói không với rượu, bia vào buổi trưa.


Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm qua Thành phố đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác bảo đảm trật tự ATGT với 157 đầu việc thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng việc thí điểm xử phạt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi, sau ba tháng thực hiện tình hình đã có nhiều chuyển biến với trên 60% người dân đã chấp hành; bên cạnh đó công tác tuyên truyền của Ban ATGT thành phố về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt đã đến các hộ dân cư với phong trào “3 không, 3 có”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Năm 2012 TP Hồ Chí Minh đã chi 230 tỷ đồng để hoàn thành các công trình cầu, đường, nút giao thông, cải tạo 17.000 m2 các giao lộ, đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Trong năm 2013 thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác tổ chức giao thông, đầu tư cho các công trình trọng điểm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Hoàn thành việc cải tạo các nút giao, các cầu, nút thắt cổ chai, điều chỉnh tổ chức giao thông ở các khu vực hay ùn ứ, đảm bảo ATGT. Điều chỉnh bề rộng phân bố làn xe trên nhiều tuyến đường, lắp đặt biển báo chốt đèn, tuyên truyền tổ chức hướng dẫn giao thông. Thành phố cũng đang hoàn thiện một số công trình cầu vượt, lắp đặt dải phân cách, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý, phối hợp xử lý những hành vi dẫn đến tai nạn giao thông. Tập trung xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn…

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng:

Thành phố có chủ trương khuyến cáo người dân thay thế những mũ bảo hiểm kém chất lượng bằng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn. Đến nay thành phố đã tiêu hủy trên 30.000 mũ kém chất lượng, người tham gia giao thông đã có ý thức hơn, không đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Bên cạnh đó, thành phố tập trung kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện, tiêu chuẩn khí xả, quyết liệt giảm thiểu ô nhiễm…

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, các địa phương trong tỉnh Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền như: công chức không uống rượu bia vào buổi trưa, tạo văn hóa khi tham gia giao thông, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm… Tăng cường kiểm tra, nâng cao ý thức trách nhiệm của cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra giao thông, cắt thi đua khen thưởng các ngành, địa phương nếu để xảy ra tai nạn giao thông tăng.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an:

Bộ Công an đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó ATGT là nhiệm vụ được thực hiện quyết liệt. Kiên quyết giải quyết các địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm, đặc biệt giải quyết ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết nối các địa phương đưa camera vào giám sát giao thông bằng hình ảnh… Mặc dù ý thức người tham gia giao thông đã có nhiều chuyển biến, nhưng một bộ phận người dân tham gia giao thông chấp hành luật vẫn rất kém, lỗi vượt ẩu, phóng nhanh vẫn phổ biến. Riêng tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có tới 79,9% xe quá tốc độ, vẫn còn hiện tượng chạy bằng, cần chấn chỉnh việc cấp giấy phép lái xe, nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, nhất là cấp xã để đưa Nghị quyết ATGT vào sinh hoạt chi bộ…

Tuy nhiên, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng so với cùng kỳ 2011 giảm nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao. Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT như: uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành thậm chí chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra phổ biến.


Tiếp tục các giải pháp đồng bộ


Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2012 và tổ chức thực hiện bảo đảm ATGT Tết Quý Tỵ năm 2013 vừa được Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các thành viên Ủy ban ATGT quốc gia đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nhiều nội dung mới và đột phá trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Lần đầu tiên sau 10 năm, kể từ năm 2001, số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10.000 người. Năm ATGT đã thành công bước đầu, được nhiều cơ quan truyền thông lớn bình chọn là sự kiện quan trọng của năm. Qua đánh giá cho thấy một số tỉnh, thành có điều kiện phải giảm sâu hơn nữa các chỉ tiêu này. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.


Trong năm 2013 cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Nâng cao ý thức và nhận thức tự giác chấp hành phát luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giảm tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.


Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông. Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT và nâng cao hiệu quả thông qua triển khai sử dụng trang thiết bị, hệ thống giám sát trong xử lý vi phạm trật tự ATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT: Quản lý việc đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông, quản lý hoạt động vận tải, tổ chức giao thông. Nhân rộng, phát huy các giải pháp đột phá về khắc phục ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong năm ATGT 2012, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới.


Nhấn mạnh đến một số giải pháp tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, các đơn vị trực thuộc tổ chức mở các đợt cao điểm tuần tra, tổ chức cưỡng chế theo chuyên đề để tăng tính răn đe, ngăn chặn; xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 124/2011/TT-BTC về hướng dẫn lệ phí trước bạ và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc sang tên đổi chủ giải quyết tình trạng không chuyển sở hữu phương tiện.


Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an xây dựng hệ thống văn bản có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học; phấn đấu năm học 2014-2015 đưa việc giảng dạy ATGT vào chương trình giảng dạy chính khóa ở các cấp học; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên tịch quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường và nâng cao hiệu quả các chương trình tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT, thường xuyên phát các thông điệp về ATGT.

 

Thái Bình - Chí Bình 

 Bảo đảm ATGT dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2013
Bảo đảm ATGT dịp Tết và mùa lễ hội xuân 2013

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2164/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải... chỉ đạo thực hiện quyết liệt, liên tục các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong đợt cao điểm từ ngày 20/12/2012 đến 15/3/2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN