Nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Ngày 10/12, tại thành phố Lạng Sơn, Văn phòng Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức “Hội nghị tuyên truyền phòng, chống mua bán người năm 2024” cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Tập huấn, trao đổi, giải đáp kiến thức về phòng chống mua bán người cho các đoàn viên thanh niên tại Hội nghị. 

Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp trong tuyên truyền, đưa pháp luật vào cuộc sống, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, mua bán người nói riêng...

Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với Trung Quốc; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối tắt trên tuyến biên giới. Địa hình của tỉnh khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi, đời sống nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn, nhận thức về pháp luật hạn chế… Đây là một trong những nguyên nhân vẫn còn xảy ra nạn mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn gặp khó khăn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho hay, thực hiện Kế hoạch số 61/KH-BCĐ, ngày 18/4/2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức.

Cụ thể là tuyên truyền thông qua các kỳ sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua các hoạt động phong trào tại cơ sở, tọa đàm, ngoại khóa, hội thi, hội diễn, tổ chức các “Phiên tòa giả định”, “Phiên tòa lưu động” nhằm tăng cường hiểu biết về Luật Phòng, chống mua bán người; đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng vào phòng, chống tội phạm mua bán người tại tỉnh.

Chú thích ảnh
Tiểu phẩm sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại Hội nghị. 

Tại hội nghị, Công an tỉnh Lạng Sơn đã thông tin tới đoàn viên, thanh niên về tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người; thủ đoạn sử dụng không gian mạng, công nghệ cao để mua bán người. Thực tế từ việc các vụ mua bán người tại địa phương cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi như: Hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân bán qua biên giới; lợi dụng sơ hở trong công tác cho nhận con nuôi để đưa người sang Trung Quốc bán...

Đặc biệt, các đối tượng thường tìm kiếm những phụ nữ đang mang thai ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua lại các cháu bé hoặc mua, bán trẻ sơ sinh ở bệnh viện, sau đó đưa sang Trung Quốc bán, môi giới kết hôn với người nước ngoài trái quy định... Hiện nay, đối tượng phạm tội có xu hướng thông qua không gian mạng và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.

Theo thống kê từ năm 2020 - 2024, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 16 vụ, 38 đối tượng mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, với 23 nạn nhân bị lừa bán...

Tin, ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)
Nâng cao nhận thức cho người dân biên giới về phòng, chống mua bán người
Nâng cao nhận thức cho người dân biên giới về phòng, chống mua bán người

Điện Biên là tỉnh miền núi nghèo, có đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống. Do trình độ dân trí không đồng đều, lợi dụng những đặc điểm này, thời gian qua, tại Điện Biên, các đối tượng xấu thực hiện hành vi mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN