Nâng cao năng lực dự báo, chủ động ứng phó với thiên tai

Mùa mưa bão năm 2023 đang đến gần. Dự báo, Yên Bái sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bất thường về cường độ và phạm vi ảnh hưởng, làm thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, nâng cao năng lực dự báo, chủ động chuẩn bị phòng, tránh thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách hàng năm đối với chính quyền và người dân trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Mưa lũ làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi ở huyện Văn Chấn. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Yên Bái chú trọng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, nhất là khả năng dự báo sớm; ưu tiên đầu tư xây dựng công cụ, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, công trình thủy lợi; hệ thống dự báo, cảnh báo bão, hạn hán, ngập lụt trên địa bàn.

Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, địa phương đã tập trung hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai; tập trung ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại đối với mưa định lượng, cảnh báo dông sét, sạt lở đất và lũ quét. Đồng thời, tỉnh cập nhật dữ liệu cảnh báo của ngành Khí tượng thủy văn, tự động hóa trong kết nối, phân tích dữ liệu về thiên tai; đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai nhằm chuẩn hóa, đồng bộ cơ sở dữ liệu cũng như quy trình dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai. Yên Bái đã xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và phương thức truyền tin để đảm bảo tốt nhất cho chính quyền các cấp ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với thiên tai.

Hiện, tỉnh đang vận hành 132 trạm đo mưa tự động, 5 trạm đo thủy văn, một trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng tại thành phố Yên Bái, một hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất đặt tại huyện Mù Cang Chải, một trạm tại huyện Văn Yên. Mọi thông tin về thiên tai, cảnh báo về mưa lũ, khu vực sạt lở đất và lũ quét đã được cập nhật và truyền tin kịp thời đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các ứng dụng trên mạng xã hội.

Trước mỗi mùa mưa bão, tỉnh tổ chức các đoàn công tác cùng các địa phương điều tra, khảo sát, lập bản đồ khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn; rà soát, kiểm tra các công trình hồ chứa nước, các tuyến đê, điểm xung yếu để dự báo và xây dựng phương án ứng phó phù hợp; tổ chức kiểm tra, rà soát nơi ở của người dân để khuyến cáo, chuẩn bị phương án di dời đến khu vực an toàn khi thiên tai xảy ra.

Ông Phạm Quốc Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, nhờ làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trước mỗi đợt mưa bão, cơ quan chức năng đã tham mưu cho chính quyền từ tỉnh tới cơ sở xây dựng kịch bản, phương án đối phó phù hợp, làm giảm thiệt hại về người và tài sản trong mấy năm trở lại đây. Đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác dự báo tiếp tục được đào tạo, trưởng thành trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Qua công tác kiểm tra, đo lường và dự báo thiên tai, đơn vị đã cảnh báo tới từng địa phương, khu dân cư, từng hộ dân các cấp độ rủi ro có thể xảy ra. Hiện, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch lại khu dân cư an toàn, xác định được gần 4.300 hộ thuộc diện nguy cơ cao bị ảnh hưởng phải di dời đến nơi định cư mới; cảnh báo gần 300 khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất; hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở tại các tuyến đê sông, các công trình hồ, đập.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: mưa đá, lốc xoáy, dông sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... Cùng với đó, địa phương nằm trong khu vực có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, kết cấu đất yếu. Do vậy, công tác chuẩn bị phải được các cấp ủy, chính quyền, người dân chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa, không lơ là, không chủ quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho biết, công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phải phù hợp với đặc điểm thiên tai thường xảy ra trên địa bàn để hoạt động phòng, chống có hiệu quả ngay tại mỗi cơ quan, cộng đồng dân cư đảm bảo kịp thời, toàn diện, triển khai hiệu quả phương án "4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và chính quyền các cấp trong phòng, chống thiên tai; đặc biệt, quản lý rủi ro do thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời, công tác theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết trên địa bàn luôn được quan tâm. Chính quyền các cấp, ngành thường xuyên tổ chức trực ban, giao ban nghiêm túc. Đến nay, 100% chính quyền các cấp trên địa bàn đã xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ, đặc biệt là phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh, 173/173 đơn vị hành chính cấp xã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 13.000 người tham gia. Lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên toàn tỉnh.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, năm 2023, tỉnh đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc chuyên dụng cho công tác phòng, chống thiên tai. Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, lực lượng chức năng sẵn sàng đưa vào sử dụng gần 350 nhà bạt các loại, 200 máy phát điện, 120 máy bơm các loại, trên 4.000 áo phao cùng nhiều trang thiết bị hỗ trợ quan trọng khác. Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, Yên Bái đã huy động được trên 1.200 ô tô các loại; 26 xe cứu thương; 300 máy xúc, ủi; gần 600 tàu, xuồng, thuyền máy các loại. Ngành Y tế đã bố trí đủ lực lượng y, bác sĩ thường trực tại các huyện, sẵn sàng tăng cường cho tuyến xã; thuốc men, vật tư y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và xử lý môi trường trong, sau thiên tai.

Tiến Khánh (TTXVN)
Đắk Lắk chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão
Đắk Lắk chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Mùa mưa tại tỉnh Đắk Lắk thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm và thường gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở. Hiện nay, thời tiết trên địa bàn đang trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, thường xảy ra một số loại hình thiên tai như dông, sét, lốc tố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN