Để phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân bám biển hiệu quả, Nhà nước đã triển khai nhiều mô hình giúp ngư dân vươn ra khơi. Tuy nhiên chất lượng lao động biển hiện nay vẫn chưa theo kịp các phương thức đánh bắt hiện đại. Quảng Ngãi là địa phương có số ngư dân sống bằng nghề biển đứng đầu khu vực miền Trung nhưng chất lượng lao động biển vẫn còn hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng. Tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân. Ảnh: TTXVN |
Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.700 tàu thuyền với khoảng 40.000 ngư dân sống bằng nghề biển. Không chỉ một bộ phận ngư dân lớn tuổi mà đa phần ngư dân trẻ tuổi chỉ có trình độ học vấn bậc trung học cơ sở. Họ đến với nghề biển theo quy luật “cha truyền con nối” để bám trụ với nghề chứ không qua một lớp đào tạo dù là ngắn hạn để trang bị kiến thức đi biển.
Ngư dân Phạm Dương, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: Tôi đã đi biển hơn 10 năm nhưng do ít vốn, cộng thêm ít học nên tôi chỉ đi bạn với các chủ tàu. Còn ngư dân Nguyễn Văn Hồng, xã Phổ An, huyện Đức Phổ giờ đã làm chủ một chiếc tàu công suất lớn chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ. Nhưng anh và các bạn cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước chứ không được đào tạo bài bản. Bởi vậy khi ứng dụng khoa học kĩ thuật vào đánh bắt những ngư dân này gặp không ít khó khăn.
Trong hai năm 2012 và 2013, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi giao cho Hội nghề cá tỉnh phối hợp với trường đại học thủy sản Nha Trang mở 19 lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 cho hơn 500 ngư dân tại huyện Bình Sơn, Lý Sơn. Nhờ đó ngư dân được trang bị kiến thức về điều khiển tàu tránh trú bão, tìm kiếm ngư trường khai thác, cách khắc phục sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố, các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động trên biển, cách cứu hộ cứu nạn trên biển,…
Tuy nhiên số lượng ngư dân được đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần được đào tạo. Ngư dân Nguyễn Đức Hải, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: Chúng tôi mong được tham gia nhiều lớp đào tạo để ngư dân, đặc biệt là những thuyền trưởng, máy trưởng như tôi có cơ hội cập nhật, nâng cao kiến thức.
Theo ông Lê Văn Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, chỉ qua một lớp đào tạo ngắn hạn nhưng ngư dân biết kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn vốn có vào thực tiễn đánh bắt đã thu được kết quả cao. Là một đơn vị quản lí, chúng tôi mong muốn thời gian sắp tới các cấp chính quyền, các ngành liên quan quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề cho ngư dân.
Đinh Thị Hương